Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018.
Theo đó, về dự án Luật Giáo dục sửa đổi, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT bổ sung chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm theo lộ trình quy định tại dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Chính phủ đồng ý chi 4.730 tỉ đồng/năm để miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS.
Đồng thời, thống nhất chủ trương thực hiện miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt đối với thôn xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 29-NQ/TW. Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chủ trương chung của nhà nước là thực hiện chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020. Tuy nhiên, đến nay nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với cấp giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em học mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ GD&ĐT cho rằng để thực hiện chính sách phổ cập và giáo dục bắt buộc thì nhà nước phải có chính sách đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp học, và phải không thu học phí (không phân biệt trường công và trường tư), vì hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, nếu không miễn hoàn toàn học phí cho đối tượng này, thì rất khó huy động tất cả trẻ em đến trường và không thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, ngoài kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách chế độ cho học sinh miễn giảm học phí theo quy định hiện nay, khi thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập thì hàng năm, Ngân sách Nhà nước sẽ phải chi thêm một khoản 4.730 tỉ đồng.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục Đại học, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ GD&ĐT về việc rà soát, sửa đổi các Luật liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học theo hướng một luật sửa nhiều luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế tự chủ đại học; Bổ sung quy định về hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ có chức năng thực hiện nhiệm vụ các cơ quan chủ quản, giám sát các mặt hoạt động của trường đại học, tiến tới xóa bỏ bộ chủ quản, Bộ GD&ĐT tập trung quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Bộ GD&ĐT tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học, Chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật này báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức rà soát, thống kê đánh giá cụ thể hiện trạng đầu tư, cải tạo nhà vệ sinh, cung cấp nước sạch trong trường học trước năm học mới, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Rà soát xác định rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; Hoàn thiện hệ thống quản trị của ngành giáo dục, quy trình kỹ thuật đồng thời tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhân dân, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, bất cập đảm bảo giám sát chặt chẽ khách quan minh bạch tất cả các khâu của kỳ thi; Phối hợp với Bộ Công an điều tra xử lý nghiêm các vi phạm trong kỳ thi THPT vừa qua.