Bộ GD&ĐT vừa có công văn trả lời văn bản giải trình của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh xung quanh việc bầu Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025 của trường này. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà trường thực hiện nghiêm Nghị quyết 209 ngày 24/6 của Ban Cán sự đảng Bộ GD&ĐT về công tác cán bộ của trường và công văn 2787 ngày 6/7 của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Hội đồng trường (HĐT) Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh phải xem xét trách nhiệm của Chủ tịch HĐT trong việc ký thông báo số 07/TB-HĐT ngày 16/3, không đúng quy định và phải báo cáo trước ngày 31/8. Đồng thời, yêu cầu nhà trường phải giải quyết dứt điểm đơn thư của cán bộ, viên chức theo đúng quy định pháp luật. Xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạp nếu có và báo cáo Bộ GD&ĐT ngay sau khi có kết quả giải quyết.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nơi có quá nhiều “lùm xùm” trong việc bầu bán Hiệu trưởng, và có nhiều việc trái pháp luật khác.
Như Chuyên trang Tieudung.vn thuộc Báo Kinh tế & Đô thị, đã phản ánh tại ngôi trường nêu trên xảy ra vụ lùm xùm trong việc bầu bán Hiệu trưởng, khiến nhiều cán bộ, giảng viên, viên chức bất bình. Cụ thể HĐT giới thiệu 4 ứng cử viên ứng cử chức Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sau đó có 2 người xin rút khỏi danh sách giới thiệu. Hai người còn lại là PGS-TS Lê Hiếu Giang (Phó Hiệu trưởng trường) và PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh (Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy).
Ở bước 2, có 41 phiếu được phát ra, thu về 41 phiếu hợp lệ, PGS-TS Lê Hiếu Giang đạt 26/41 phiếu (63,41%), còn PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh chỉ đạt 15/41 phiếu (36,59%). Mặc dù số phiếu không thể đạt 50%, nhưng ông Thịnh vẫn lọt tiếp vào bước 3, lúc này chỉ có 5 người bỏ phiếu thì PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh đạt 3/5 phiếu (60%), PGS-TS Lê Hiếu Giang đạt 2/5 phiếu (40%).
Vì kết quả bước 2 và 3 khác nhau (số thành viên giữa 2 lần chênh lệch lớn), nên đã có nhiều ý kiến trái chiều, dẫn đến HĐT gồm 19 thành viên bỏ phiếu kín để chọn lại nếu bước nào được chọn cao hơn thì ứng viên bước đó đi tiếp vào vòng 4. Lần bỏ phiếu này phương án 2 đạt 5/19 phiếu (26,31%), phương án 3 đạt 10/19 phiếu (52,63%) và ông Nguyễn Trường Thịnh được đi tiếp vào bước 4.
Tại hội nghị cán bộ chủ chốt (bước 4) của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, với 99 cán bộ chủ chốt tham dự để lấy phiếu tín nhiệm. PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh là ứng cử viên… duy nhất, cũng chỉ đạt 48/99 phiếu tín nhiệm 48,5% (không đủ 50%), nhưng ông Thịnh vẫn lọt tiếp những bước tiếp theo, vì chỉ có mỗi ông… là ứng viên duy nhất.
Sau khi đã có kết quả bầu bán, Ngô Văn Thuyên - Chủ tịch HĐT Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh - ký quyết định và PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh trở thành Hiệu trưởng trường này nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngoài việc có nhiều khuất tất trong bầu bán, theo đơn cầu cứu của TS Trương Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, khẳng định tại trường này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong công tác cán bộ. Cụ thể, thực hiện trái Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức”; Trái với nghị quyết của Đảng ủy và HĐT đối với trường hợp TS Trương Thị Hiền. Việc vi phạm pháp luật trong công tác tổ chức cán bộ, dẫn đến TS Trương Thị Hiền đang đương chức Phó Hiệu trưởng nhà trường bỗng dưng bị… tự động hết chức vụ.
Ngoài việc tự dưng bị mất chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS Trương Thị Hiền mất luôn chức Thường vụ Đảng ủy. Khi trả lời phóng viên vào ngày 5/5, ông Trương Vĩnh An - Trưởng phòng Tổ chức hành chính kiêm Thư ký HĐT, cho rằng đã hết chức Hiệu phó thì đương nhiên… không còn là Đảng ủy viên của Đảng ủy trường!
Sau khi nhận đơn khiếu nại, tố cáo của TS Trương Thị Hiền và nhiều viên chức của nhà trường, Bộ GD&ĐT vào cuộc. Đến đầu tháng 7/2021, Bộ GD&ĐT có công văn không về công tác cán bộ của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nội dung chính: Không công nhận Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh như theo đề nghị của HĐT Đại học này. Vì tại phiên họp của HĐT Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh vào ngày 5/3, HĐT tuy có thảo luận nhưng không biểu quyết, không ra nghị quyết về việc tiếp tục hay không tiếp tục giao thực hiện chức trách nhiệm vụ, thẩm quyền chức vụ Phó Hiệu trưởng đối với TS Trương Thị Hiền.
Sau đó, Chủ tịch HĐT là ông Ngô Văn Thuyên ký ban hành thông báo 07/TB-HĐT về việc không giao thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền chức vụ Phó Hiệu trưởng đối với TS Trương Thị Hiền, không căn cứ trên nghị quyết của HĐT là sai quy định tại khoản 10 điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Thông báo số 07 không đúng quy định pháp luật, dẫn đến việc TS Trương Thị Hiền với vai trò là Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh không được tham gia các hội nghị thực hiện quy trình bầu Hiệu trưởng. Bộ GD&ĐT cho rằng điều này ảnh hưởng đến kết quả các bước thực hiện quy trình Hiệu trưởng của trường đại học này.