Số đông tín nhiệm thấp, vẫn lên chức!
Vụ bầu Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn đang là đề tài gây thắc mắc, bất bình trong cán bộ, viên chức trường đại học này. Theo đó, Hội đồng trường (HĐT) giới thiệu 4 ứng cử viên ứng cử chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sau đó có 2 người xin rút khỏi danh sách giới thiệu. Hai người còn lại là Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Lê Hiếu Giang (Phó hiệu trưởng) và PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh (Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy) là ứng viên để bầu chức Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nơi xảy ra nhiều lùm xùm trong thời gian qua.
Ở bước 2, có 41 phiếu được phát ra, thu về 41 phiếu hợp lệ, PGS-TS Lê Hiếu Giang đạt 26/41 phiếu (63,41%), còn PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh chỉ đạt 15/41 phiếu (36,59%). Mặc dù số phiếu không thể đạt 50%, nhưng ông Thịnh vẫn lọt tiếp vào bước 3, lúc này chỉ có 5 người bỏ phiếu thì PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh đạt 3/5 phiếu (60%), PGS-TS Lê Hiếu Giang đạt 2/5 phiếu (40%).
Vì kết quả bước 2 và 3 khác nhau (số thành viên giữa 2 lần chênh lệch lớn), nên đã có nhiều ý kiến trái chiều, dẫn đến HĐT gồm 19 thành viên bỏ phiếu kín để chọn lại nếu bước nào được chọn cao hơn thì ứng viên bước đó đi tiếp vào vòng 4. Lần bỏ phiếu này phương án 2 đạt 5/19 phiếu (26,31%), phương án 3 đạt 10/19 phiếu (52,63%) và ông Nguyễn Trường Thịnh được đi tiếp vào bước 4.
Tại hội nghị cán bộ chủ chốt (bước 4) của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, với 99 cán bộ chủ chốt tham dự để lấy phiếu tín nhiệm. PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh là ứng cử viên… duy nhất, cũng chỉ đạt 48/99 phiếu tín nhiệm 48,5% (không đủ 50%), nhưng ông Thịnh vẫn lọt tiếp những bước tiếp theo, vì chỉ có mỗi ông… là ứng viên duy nhất.
Sau khi đã có kết quả bầu bán, Ngô Văn Thuyên - Chủ tịch HĐT Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ký quyết định đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công nhận PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh làm Hiệu trưởng Trường ĐH này nhiệm kỳ 2020-2025.
Liên quan đến việc bầu bán khiến dư luận cán bộ, giáo viên trường cho rằng có nhiều khuất tất, bất thường. Tại trường này còn xảy ra việc… tự thực hiện các quy trình thôi chức vụ đối với Phó Hiệu trưởng kiêm Thường vụ Đảng ủy của Tiến sỹ (TS) Trương Thị Hiền.
Phó Hiệu trưởng nhà trường gửi đơn cầu cứu
Theo đơn cầu cứu của TS Trương Thị Hiền gửi cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh và Bộ GD&ĐT, khẳng định công tác nhân sự tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể vào ngày 16/3/2021, họp tập thể lãnh đạo trường, ông Trương Vĩnh An - Trưởng phòng Tổ chức hành chính nhà trường công bố thông báo của HĐT: “Theo đề nghị của Hiệu trưởng và căn cứ biên bản họp HĐT ngày 5/3/2021, HĐT thông báo không giao việc thực hiện chức trách nhiệm vụ thẩm quyền Phó Hiệu trưởng đối với TS Trương Thị Hiền kể từ ngày 16/3/2021”.
Tại cuộc họp này, TS Hiền đã không đồng ý với thông báo nêu trên và đề nghị PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng phải đề xuất theo đúng nghị quyết của Đảng ủy và HĐT. Nếu cho TS Hiền thôi chức vụ thì phải thực hiện theo đúng Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức”. Bởi lẽ, TS Trương Thị Hiền là viên chức và được đề nghị các quy trình được thực hiện theo nghị định 115/2020/NĐ-CP. Nhưng ông Trương Vĩnh An và ông Đỗ Văn Dũng không những không quan tâm đến quy trình quy định, mà cho rằng “chức vụ Phó Hiệu trưởng của TS Trương Thị Hiền đã tự động hết từ ngày có quyết định phê duyệt HĐT mới vào ngày 20/11/2020”. Ngay trong ngày 16/3/2020, HĐT ký, ban hành thông báo số 07/TB-HĐT với nội dung “Thông báo không giao việc thực hiện chức trách nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng” đối với TS Hiền mà không đúng quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Điều này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của bản thân TS Trương Thị Hiền mà còn gây hoang mang đối với tập thể CBVC nhà trường.
TS Trương Thị Hiền khẳng định việc bà bị “Tự động hết chức vụ từ ngày 20/11/2020” và “Không giao thực hiện chức trách nhiệm vụ từ 16/3/2021” cho bà là có dấu hiệu vi phạm khi thực hiện quy trình nhân sự lãnh đạo chủ chốt, có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, trù dập cá nhân. Bởi lẽ theo TS Hiền, ngày 2/7/2018, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT có văn bản 258-CV/BCSĐ về việc “Giao Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2013 - 2018 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi có quyết định mới của Bộ trưởng về nhân sự Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng”.
Đã ra nghị quyết, vẫn thay giữa dòng!
Đến ngày 21/8/2019, Bộ GD&ĐT ký quyết định 2426/QĐ-BGD&ĐT công nhận tiếp tục kéo dài thời gian giữ chức vụ cho ông Đỗ Văn Dũng đến thời điểm hết làm công tác quản lý (được xác định là ngày 1/2/2021. Còn tại thời điểm này xác định ngày 1/5/2021). Các Phó Hiệu trưởng đến ngày 16/3/2021, không có bất cứ quyết định nào liên quan đến chức vụ Phó Hiệu trưởng. Ngày 20/11/2020, Bộ GD&ĐT ký quyết định số 3815/QĐ-BGD&ĐT về công nhận HĐT nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghị quyết số 43 do ông Đỗ Văn Dũng ký ban hành ngày 22/1/2021.
“Thời điểm ngày 20/11/2020, sau khi HĐT được công nhận theo Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học - Có hiệu lực từ ngày 1/7/2019), thì Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng vẫn giữ chức vụ theo các văn bản, quyết định của Bộ GD&ĐT khi chưa ban hành Luật số 34. Nếu xét thời điểm 20/11/2020, tôi đã hết chức vụ Phó Hiệu trưởng theo Luật số 34, thì ông Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng và ông Lê Hiếu Giang - Phó Hiệu trưởng có hết chức vụ như tôi không? Nếu hết chức vụ thì chữ ký của cả 3 người (đặc biệt liên quan vấn đề tài chính) có hiệu lực hay không? Tại sao chữ ký của những người đã tự động thôi chức vụ phòng Tổ chức Hành chính vẫn đóng dấu và ban hành. Tại thời điểm tháng 11/2020, khi có quyết định công nhận, tại sao HĐT không tiến hành làm các quy trình nhân sự liên quan đến Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng theo Luật số 34, kể cả quy trình “Thôi chức vụ Phó Hiệu trưởng”. Nếu đã không thực hiện quy trình nhân sự theo thẩm quyền, thì đó là lỗi của HĐT. Không thể kết luận, chức vụ Phó Hiệu trưởng của tôi là “Tự động thôi”. Đương nhiên, Hiệu trưởng và Hiệu phó vẫn thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 43 của Đảng ủy nhà trường", TS Trương Thị Hiền, lập luận.
Ngày 5/5, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho biết ông nghỉ hưu từ ngày 1/5. Ông Dũng khẳng định trong việc bầu Hiệu trưởng nhà trường đều làm đúng, không có gì khuất tất, vì trong quy trình 7 bước có 2 đại diện của Bộ GD&ĐT, 2 đại diện của Đảng ủy khối xem xét từng vòng, nếu có gì khuất tất là họ dừng lại ngay.
“Đối với việc TS Trương Thị Hiền bị tự thôi chức Phó Hiệu trưởng. Trước đó vài tháng, HĐT đã ban hành tiêu chuẩn của Hiệu phó, gồm: Phải có bằng IELTS 6.5 trở lên, thứ 2 phải có 1 bài báo quốc tế, thứ ba học và làm luận văn ở nước ngoài bằng tiếng Anh. Do vậy HĐT xem xét và cô Hiền không đủ chuẩn để giao nhiệm vụ vì không thỏa mãn 3 điều kiện này”, ông Đỗ Văn Dũng, nói.
Về việc HĐT có ra quyết định gì cho TS Trương Thị Hiền thôi chức Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh hay không? PGS-TS Đỗ Văn Dũng khẳng định thực hiện theo Luật số 34 quy định HĐT quyết về nhân sự và họ có nghị quyết hết, do Chủ tịch HĐT ký. Việc ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho các Hiệu phó diễn ra thời gian nào thì tôi không nhớ, chỉ nhớ từ khi HĐT họp ra nghị quyết về giao nhiệm vụ cho các Hiệu phó, chỉ có một người là PGS-TS Lê Hiếu Giang đủ chuẩn.
Quá nhiều mâu thuẫn
Liên quan đến vụ việc, ngày 5/5 phóng viên trao đổi với ông Trương Vĩnh An - Trưởng phòng Tổ chức hành chính kiêm Thư ký HĐT. Ông An cho rằng từ ngày 20/11/2020, HĐT được Bộ GD&ĐT công nhận, đương nhiên TS Trương Thị Hiền không còn làm Hiệu phó. Muốn làm Hiệu phó, phải có Hiệu trưởng đề cử. Hiện HĐT giao cho người phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật là PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh.
Ngoài chức danh Phó Hiệu trưởng của TS Trương Thị Hiền… bị tự động dừng. Ông Trương Vĩnh An cũng cho rằng đã hết chức Hiệu phó thì đương nhiên… không còn là Đảng ủy viên của Đảng ủy trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào ngày 6/1, Đảng ủy trường họp, đề xuất HĐT thực hiện quy trình kéo dài thời gian giữ chức vụ cho PGS-TS Đỗ Văn Dũng đến tuổi nghỉ hưu và được chấp nhận. Đến ngày 22/1, Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là ông Đỗ Văn Dũng ký ban hành nghị quyết số 43-NQ/ĐU về công tác cán bộ lãnh đạo trường, trong đó có nội dung: “Thống nhất (14/14) giao cho Hiệu trưởng đề xuất HĐT xem xét ra quyết định giao nhiệm vụ để các Phó Hiệu trưởng PGS-TS Lê Hiếu Giang và TS Trương Thị Hiền tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ thẩm quyền Phó Hiệu trưởng cho đến khi có quyết định nhân sự Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025 theo quy định”.
Đáng chú ý, thời điểm ngày 22/1, ông Dũng vẫn đang làm Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy và đã ký nghị quyết 43. Đến tháng 4/2021, nhà trường mới giới thiệu nhân sự bầu Hiệu trưởng, nhưng từ tháng 3/2021 đã cho TS Trương Thị Hiền… tự thôi chức mà không có quyết định! Do đó việc ông Dũng, ông An cho rằng TS Trương Thị Hiền đương nhiên thôi chức từ ngày 20/11/2020 là vô cùng mâu thuẫn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh thông tin đến bạn đọc.