Tùy tiện tạo “chuẩn đầu ra” để ép sinh viên nộp tiền học!
Đến ngày 21/01/2014, Tổ KTXM có “báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh” số 29/BC-TKTXM về việc “Đào tạo, cấp chứng chỉ tại Khoa TCNH&QTKD”. Theo đó, đối với nội dung tố cáo “Trưởng khoa Hà Thanh Việt từ năm 2010 đến nay (thời điểm ban hành báo cáo số 29/BC-TKTXM) đã tự tạo “chuẩn đầu ra” cho khoa của mình một cách tùy tiện để bắt ép sinh viên của khoa nộp tiền học và thi các chứng chỉ nghiệp vụ, ngoại ngữ (Chứng chỉ nghiệp vụ ngân hàng hiện đại; Chứng chỉ kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, thuyết phục; Chứng chỉ ngoại ngữ) tại công ty gia đình của ông Việt trái với quy định của Nhà nước để trục lợi”.
Tùy tiện tạo “chuẩn đầu ra” để ép sinh viên nộp tiền học các chứng chỉ không có giá trị này! |
Qua KTXM, cho kết quả Chương trình đào tạo do Hiệu trưởng ký ban hành kèm theo quyết định 1523/QĐ-ĐHQN ngày 10/9/2010 có ghi chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ trong phần “mục tiêu”. Nhưng điều đó có nghĩa là toàn bộ nội dung đào tạo về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ phải nằm trong chương trình đào tạo và trở thành nhiệm vụ bắt buộc của Khoa TCNH&QTKD khi xây dựng và thực hiện Chương trình, chứ không phải bỏ ra ngoài Chương trình để đào tạo thu phí như một hình thức dịch vụ.
“Điều đó chứng tỏ nội dung chương trình không bảo đảm chất lượng để đạt đến mục tiêu đặt ra; Không phải lãnh đạo khoa (tức ông Hà Thanh Việt) không ý thức được vấn đề chất lượng đào tạo so với mục tiêu mà cố tình bỏ ra ngoài chương trình để biến các nội dung đào tạo này thành dịch vụ; Công bố chuẩn đầu ra trong mục tiêu bắt buộc, nhưng lại không có trong chương trình đào tạo, càng chứng tỏ dịch vụ đào tạo ngắn hạn kia là hình thức bắt buộc tinh vi đối với sinh viên Khoa TCNH&QTKD. Đối chứng với danh sách mở lớp (các lớp nghiệp vụ), chỉ có một số rất ít (10%) học viên đăng ký học nằm ngoài số sinh viên đang học tại khoa; Bản hợp đồng đào tạo số 01/2010/HĐĐT do ông Hà Thanh Việt biên soạn trình cho Phó Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Mỹ ký với bà Lê Thị Tân Tiếng, ngoài các nội dung bất hợp pháp phản ánh rõ tính chất vụ lợi cá nhân trong dịch vụ này”, Tổ KTXM nêu.
Tham mưu ký hợp đồng với công ty gia đình mình!
Tính vụ lợi được báo cáo chỉ rõ: Bên A là Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục V.N được xác minh chính xác là công ty gia đình của ông Hà Thanh Việt, với vốn điều lệ 17,5 tỷ đồng. Trong đó bố ông Việt là Hà Thanh Tịnh góp 2,1 tỷ đồng, bà Lê Thị Tân Tiếng (dì ruột ông Việt) góp 1,050 tỷ đồng, ông Hà Thanh Dũng (em ruột ông Việt) góp 525 triệu đồng. Đối với bên B dù mang danh Trường Đại học Quy Nhơn, với người đứng tên ký hợp đồng và ký văn bằng chứng chỉ là Phó Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Mỹ, nhưng thực chất là ông Hà Thanh Việt trực tiếp hợp tác với công ty gia đình của ông Việt đứng ra tổ chức mở lớp đào tạo, thu phí và quyết toán tài chính.
Với những sai phạm "động trời" như vậy nhưng ông Hà Thanh Việt đã không bị xử lý kỷ luật... mà còn "leo cao" tới chức Hiệu trưởng Trường Cán bộ QLGD TP Hồ Chí Minh. |
Từ những căn cứ đã kiểm tra, xác minh, Tổ KTXM kết luận: Chương trình là do Khoa TCNH&QTKD xây dựng, chuẩn đầu ra do khoa đề xuất để nhà trường phê duyệt. Việc đặt ra mục tiêu nhưng bỏ ra ngoài chương trình để thực hiện dịch vụ đã vi phạm khoản 1 điều 6 Luật Giáo dục: “Chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục; Quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học hoặc trình độ đào tạo”. Vi phạm điều 118 Luật Giáo dục: “Tự ý thêm, bớt số môn học, nội dung giảng dạy đã được quy định trong chương trình giáo dục; Lợi dụng hoạt động giáo dục để thu tiền sai quy định”.
Cũng theo Tổ KTXM, việc ông Hà Thanh Việt với tư cách Trưởng khoa đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham mưu ký hợp đồng dịch vụ với công ty gia đình của mình là vi phạm khoản 5 điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng: “Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; Cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình...”.
Ông Hà Thanh Việt không trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp của người trong gia đình, nhưng ông là một thành viên quản lý đào tạo trực tiếp, tham mưu cho Phó Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Mỹ nên hiển nhiên chịu trách nhiệm chính trong việc lợi dụng này vì trên các văn bản hành chính đều có chữ ký Trưởng khoa Hà Thanh Việt.
(Còn nữa)