Cụ thể, ông Hà Thanh Việt nói rằng: "Sau khi Bộ phân cấp và phê duyệt cấp ngân sách đã yêu cầu chúng tôi phải làm lại, bởi Tờ trình và Kế hoạch (đã trình Bộ GD&ĐT - VP) đã không đúng, không phù hợp về các quy định tài chính. Vì vậy, Hiệu trưởng có toàn quyền quyết định việc thực hiện chương trình này…!".
QĐ 3273 mà ông Việt cung cấp cho PV vỏn vẹn có 2 trang, không có điều khoản nào cho phép ông Việt được tự ý thay đổi việc thực hiện Tờ trình và Kế hoạch đã trình Bộ GD&ĐT để xin thực hiện chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục". |
Trước đó, từ 11/3/2019, Chuyên trang Tieudung.vn - Báo Kinh tế & Đô thị Điện tử khởi đăng loạt bài phản ánh nhóm làm Chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" của Trường Cán bộ QLGD TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu tham ô tài chính.
Những sai phạm cụ thể: Tự ý điều chỉnh nhiều nội dung công việc khác với Tờ trình số 766/TTr-CBQLGDHCM ngày 5/8/2017 và Kế hoạch số 779/KH-CBQLGDHCM ngày 21/8/2017 của Trường Cán bộ QLGD TP Hồ Chí Minh đã được Bộ GD&ĐT chấp thuận và cấp kinh phí lên tới 600 triệu đồng để thực hiện Chương trình bồi dưỡng "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục cho công chức, viên chức ngành giáo dục”, đã tạo thuận lợi cho nhóm thực hiện chương trình dễ dàng làm khống chứng từ để quyết toán tiền ngân sách.
Từ đó, dù không đi khảo sát, đánh giá tại 10 tỉnh, thành nhưng vẫn lập khống hồ sơ tài chính, phiếu khảo sát về khảo sát, đánh giá nhu cầu để rút ruột 246,5 triệu đồng; Lập khống hợp đồng và phiếu chi trong việc viết chuyên đề để chiếm đoạt hàng chục triệu đồng; Gian dối, giả mạo trong việc “Tổ chức lớp bồi dưỡng thể nghiệm” và lập chứng từ khống để thanh toán chi phí mở lớp thể nghiệm; Tổ chức nghiệm thu chương trình sai quy định;…
Sau khi Tieudung.vn phản ánh các nội dung trên, ngày 18/3/2019, Hiệu trưởng Hà Thanh Việt đã có công văn gửi Báo Kinh tế & Đô thị và cho rằng loạt bài đăng thông tin không đúng sự thật, đề nghị đính chính.
“Thực hiện “Điều chỉnh dự toán chi phí NSNN năm 2017” kèm Quyết định số 3273/QĐ-BGDĐT ngày 7/9/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Trường CBQLGD TP.HCM được phân cấp tổ chức xây dựng chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ viên chức. Ngày 3/10/2019, Hiệu trưởng ký Quyết định thành lập Ban biên soạn chương trình bồi dưỡng “Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục” và giao cho Trưởng Khoa Quản lý giáo dục chủ trì về chuyên môn để biên soạn chương trình. Cùng ngày, Khoa QLGD trình công văn số 19/CV-QLGD về “Kế hoạch xây dựng chương trình bồi dưỡng” kèm theo dự toán để Hiệu trưởng phê duyệt…”, trích công văn của ông Việt gửi báo.
Ngày 28/3, Trưởng VPĐD Báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với ông Hà Thanh Việt và nhóm thực hiện chương trình trên để làm rõ những vấn đề đã nêu.
Tại buổi làm biệc, Hiệu trưởng Việt đã cung cấp cho báo chí Quyết định số 3273/QĐ-BGDĐT ngày 7/9/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (gồm 02 trang - PV) và tái khẳng định việc nhà trường đã được Bộ phân cấp thực hiện chương trình này nên Hiệu trưởng có toàn quyền quyết định việc thực hiện (!?). "Chúng tôi thực hiện chương trình theo công văn số 19/CV-QLGD về “Kế hoạch xây dựng chương trình bồi dưỡng” kèm theo dự toán để Hiệu trưởng phê duyệt đã được Khoa QLGD trình ngày 3/10/2019…", ông Việt nói.
Tờ Trình 766 do ông Hà Thanh Việt ký trình Bộ GD&ĐT để thực hiện chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" với kinh phí lên đến 600 triệu đồng. |
Tuy nhiên, Báo Kinh tế & Đô thị có đủ cơ sở để nói rằng Trường Cán bộ QLGD TP Hồ Chí Minh vẫn phải tuân thủ Tờ trình số 766/TTr-CBQLGDHCM ngày 5/8/2017 và Kế hoạch số 779/KH-CBQLGDHCM ngày 21/8/2017 gửi Bộ GD&ĐT. Nhưng Hiệu trưởng đã tự ý "điều chỉnh" một số nội dung thực hiện khác với Trờ trình và Kế hoạch đã gửi trình Bộ GD&ĐT trước đó.
Minh chứng cụ thể: Tại Biên bản thẩm tra số liệu quyết toán ngân sách năm 2017 do ông Hà Thanh Việt ký với Bộ GD&ĐT (ngày 13/9/2018) ghi rõ: "Nội dung chi xây dựng Chương trình nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục để triển khai rộng rãi cho công chức, viên chức ngành giáo dục các tỉnh, thành phía Nam, gồm (i) Xây dựng Chương trình bồi dưỡng (ii) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên (Tờ trình số 766/TTr-CBQLGDHCM ngày 15/8/2018). Thực tế thực hiện: Trường đã có Tờ trình báo cáo, cụ thể: Biên soạn chương trình bồi dưỡng “Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục” và tổ chức lớp Bồi dưỡng cập nhật kiến thức Quản lý tài chính, tài sản công giành cho Chủ tài khoản và cán bộ kế toán trường học”.
Bản quyết toán kinh phí thực hiện chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" cũng do ông Hà Thanh Việt ký với đại diện Bộ GD&ĐT đã chứng minh việc chương trình này phải được thực hiện theo Tờ trình và Kế hoạch đã trình Bộ. |
Như vậy, căn cứ quyết toán 600 triệu đồng giữa Bộ GD&ĐT và Trường Cán bộ QLGD TP Hồ Chí Minh cho chương trình “Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục” chính là Kế hoạch số 779/KH-CBQLGDHCM ngày 21/8/2017 được ban hành dựa trên Tờ trình số 766/TTr-CBQLGDHCM ngày 15/8/2018, đã được Bộ GD&ĐT chấp thuận và cấp kinh phí lên tới 600 triệu đồng.
Cũng có nghĩa, Ban biên soạn chương trình bồi dưỡng “Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục” (ông Hà Thanh Việt là Trưởng ban – PV) đã tự ý không thực hiện đúng theo Tờ trình số 766/TTr-CBQLGDHCM ngày 5/8/2017 và Kế hoạch số 779/KH-CBQLGDHCM ngày 21/8/2017 đã trình Bô GD&ĐT chấp thuận và cấp kinh phí lên tới 600 triệu đồng. Chương trình sau đó đã được thực hiện theo "cách riêng" của ông Việt.
Liệu đây có phải là dấu hiệu của sự "qua mặt" cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ GD&ĐT, cần phải được các cơ quan hữu trách thanh kiểm tra làm rõ?
Với những minh chứng đã nêu, loạt bài của Tieudung.vn phản ánh sai phạm của Nhóm thực hiện chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" tại Trường Cán bộ QLGD TP Hồ Chí Minh là khách quan, chính xác.
Ngày 28/3/2019, UBKT Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chính thức tới Trường Cán bộ QLGD TP Hồ Chí Minh để công bố Quyết định Kiểm tra tổ chức Đảng và Đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Trước đó, nhiều cán bộ và giảng viên của Trường Cán bộ QLGD TP Hồ Chí Minh đã có đơn thư phản ánh, tố cáo những dấu hiệu vi phạm của lãnh đạo và một số cá nhân của Trường này trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, có dấu hiệu tham ô tài chính... |
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này.