Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, nhóm thực hiện chương trình đã không không triển khai thực hiện đúng nội dung được duyệt trong Kế hoạch số 779 và lập khống, ký khống nhiều chứng từ tài chính để quyết toán hàng trăm triệu đồng trong 600 triệu đồng chi cho Chương trình với Bộ GD&ĐT, cụ thể:
Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh - Ảnh: Website nhà trường. |
Thứ nhất: Tự ý điều chỉnh (và được Hiệu trưởng Hà Thanh Việt đồng ý) nhiều nội dung công việc khác với Tờ trình số 779. Cụ thể là việc tự ý bỏ nội dung “tổ chức hội thảo, hội nghị” bằng việc lấy ý kiến các chuyên gia. Những nội dung điều chỉnh này đã tạo thuận lợi cho nhóm thực hiện chương trình làm khống chứng từ để quyết toán tiền ngân sách. Bởi nếu tổ chức hội thảo, hội nghị theo đúng Kế hoạch 779 thì sẽ phải thực hiện các bước: Kế hoạch tổ chức hội thảo, Thư mời, Kỷ yếu hội thảo, khách dự hội thảo, bài tham luận, biên bản hội thảo, hình ảnh minh chứng.... Những nội dung này sẽ không thể làm khống chứng từ quyết toán được.
Thứ hai: Lập khống hồ sơ tài chính, phiếu khảo sát về khảo sát, đánh giá nhu cầu. Theo Kế hoạch 779, công việc đầu tiên khi xây dựng Chương trình bồi dưỡng Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục là phải tổ chức khảo sát đánh giá nhu cầu tại 10 tỉnh, thành phố (là: Gia Lai, Phú Yên, Đà Nẵng, Bình Định, Đăklăk, Quảng Nam, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kon Tum). Và Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh đã cử đoàn công tác đi khảo sát - đánh giá cho 5 cán bộ, gồm: Ông Phan Minh Phụng (Phó hiệu trưởng), ông Vũ Đình Bảy (Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn giáo dục), bà Lê Thị Thanh Loan (Phụ trách phòng Quản trị, vừa được chuyển qua làm Phó phòng Kế hoạch - Tài chính), bà Phạm Bích Thủy (Đảng ủy viên, Trưởng khoa Quản lý giáo dục), ông Phạm Đào Tiên (Phó Trưởng phòng Đào tạo, kiêm Giám đốc Trung tâm tin học và ngoại ngữ).
Mặc dù không hề tổ chức đi khảo sát - đánh giá nhu cầu tại 10 tỉnh, thành phố nêu trên như trong Kế hoạch 779, nhưng nhóm này vẫn có “đầy đủ” chứng từ theo quy định để rút tiền từ ngân sách lên đến 246,5 triệu đồng.
Để hợp thức hóa chứng từ, hồ sơ, nhóm này đã liên hệ với một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh để lấy phiếu khảo sát nhu cầu từ các học viên đang theo học các lớp do trường này tổ chức và các sinh viên đang học tại trường này. Vì vậy, các Phiếu khảo sát này đã không đúng đối tượng, không đúng kế hoạch và chỉ lấy “cho có” của học viên đang học các lớp của trường và sinh viên đại học.
Thứ ba: Lập khống hợp đồng và phiếu chi trong việc viết Chuyên đề. Theo quy định, nhóm thực hiện chương trình phải tổ chức triển khai viết 14 chuyên đề, với số tiền là 12.000.000 đồng/chuyên đề. Các cá nhân tham gia viết chuyên đề trong hồ sơ thanh quyết toán tiền ngân sách gồm bà Thủy (5 chuyên đề, 60 triệu đồng), ông Phụng (3 chuyên đề, 36 triệu đồng), ông Bảy (4 chuyên đề, 48 triệu đồng ), bà Loan (2 chuyên đề, 24 triệu đồng).
Với việc làm khống hợp đồng viết chuyên đề và chi nhận tiền viết chuyên đề, nhóm này đã chiếm đoạt hàng chục triệu đồng trong tổng 168 triệu đồng để viết 14 chuyên đề.
Bộ GD&ĐT cần xem lại giá trị sử dụng của chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" - Ảnh minh họa. |
Thứ tư: Tổ chức nghiệm thu chương trình sai quy định. Cơ sở pháp lý quan trọng để quyết toán 600 triệu đồng là Biên bản nghiệm thu Chương trình, Tài liệu. Tuy nhiên, thực tế việc nghiệm thu này đã được lập hồ sơ khống (không có kế hoạch, không có khách mời, không có ngày-giờ tổ chức nghiệm thu, một chương trình lớn mà không thông báo, đăng tin,…).
Thứ năm: Gian dối, giả mạo trong việc “Tổ chức lớp bồi dưỡng thể nghiệm” và lập chứng từ khống để thanh toán chi phí mở lớp thể nghiệm.
Chúng tôi được biết, nhóm thực hiện chương trình đã “phù phép” biến “Lớp cập nhật kiến thức quản lý tài chính, tài sản dành cho Chủ tài khoản và cán bộ kế toán trong trường học” tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 3 TP Đà Nẵng (đây là lớp dịch vụ, có thu học phí 1.000.000 đồng/học viên, tổng kinh phí là 235tr) thành lớp thể nghiệm của Chương trình bồi dưỡng “Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục” theo như Kế hoạch 779 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Theo Kế hoạch 779, nhóm thực hiện chương trình phải mở 2 lớp bồi dưỡng thí điểm cho giáo viên trong Trường với tổng kinh phí 200.000.000 đồng, học viên được học miễn phí, và nguồn chi là kinh phí không thường xuyên NSNN (trong gói 600 triệu Bộ GD&ĐT cấp), thế nhưng nhóm thực hiện chương trình này đã tự ý lấy lớp dịch vụ của Trường để quyết toán thành lớp thí điểm như trong Kế hoạch 779.
Đây là sự giả mạo công tác trắng trợn và nghiêm trọng để rút tiền ngân sách. Toàn bộ Chương trình này đã được nghiêm thu, giải ngân hoàn tất.
Trao đổi với phóng viên, nhiều giảng viên của Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh bức xúc, đặt vấn đề “Với việc thực hiện sai Kế hoạch 779 như vậy để cho “ra lò” Chương trình bồi dưỡng "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" liệu Chương trình này có giá trị sử dụng hay không, đề nghị Bộ GD&ĐT thẩm định lại?”.
Trường Cán bộ QLGD TP HCM: Nhóm làm Chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính" có dấu hiệu tham ô tài chính
(Tieudung.vn) - Thời gian qua, tại Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh đã phát sinh các khiếu nại, tố cáo liên quan tới hàng loạt vấn đề về tài chính, quản lý, tuyển dụng,… Đáng chú ý, một chương trình bồi dưỡng có tên "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" dùng tiền ngân sách tới 600 triệu đồng có dấu hiệu khuất tất, cần sớm được chi tiết hóa quá trình sử dụng tiền nhà nước, công khai, minh bạch trước cơ quan chức năng và công luận. |
(Còn nữa)
Nhóm PV