Tại cuộc họp, ông Nguyễn Huỳnh Long đã bày tỏ lo ngại về những xáo trộn trong hoạt động nhà trường, lo ngại về tranh cãi đối với bằng cấp của Hiệu trưởng (được hay chưa được công nhận); thẩm quyền ký cấp văn bằng của Hiệu trưởng (đủ hay không đủ)... đã ra tới báo chí.
Không minh bạch bằng cấp Hiệu trưởng có bất công với giảng viên, có tội với người học?
Theo điều tra của Báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Quang Nam khai quá trình học như sau: Từ 1995-1999 học đại học tại HUFLIT; Từ 2000-2002 học Thạc sĩ tại Southern California University – USA; Từ 2004-2007 học Tiến sĩ tại Business School Lausanna (Thụy Sỹ).
Cần phải làm sáng tỏ nghi vấn ông Trần Quang Nam theo học tại Califonia Southern University cùng thời điểm ông Nguyễn Xuân Anh theo học- Nguồn ảnh: ĐH HUFLIT, Vietnamnet, Zing.vn. |
Trong các bản khai, ông Nam lúc "bỏ qua" nội dung về quá trình học Thạc sĩ, lúc chỉ ghi "học tại Hoa Kỳ", "2002". Có lần, ông khai học tại "Southern California University – USA".
Về từ khóa "quen thuộc" trên, chúng tôi đã tìm thấy 02 trường gắn với "Southern California": Southern California University for Professianal Studies (sau 2007 tên California Southern University) và University of Southern California (Top 21 trường đại học của Mỹ).
Trong các bản khai lý lịch chúng tôi thu thập được, ông Nam không nhắc tới trường "University of Southern California" lừng danh, nên có khả năng ông học Thạc sĩ tại Southern California University for Professianal Studies, nơi cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh từng theo học.
Bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ của ông Xuân Anh không được Bộ GD-ĐT công nhận. Ông này còn bị UBKT Trung ương kết luận vi phạm: Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều Đảng viên không được làm.
Ông Trần Quang Nam khai học "Southern California University - USA". |
Như vậy, nếu ông Nam học Thạc sĩ cùng ông Xuân Anh (năm 2002), thì bằng Thạc sĩ của ông này cũng vô giá trị. Các văn bằng khác nếu dựa trên cơ sở có bằng Thạc sĩ này cũng không thể nghiễm nhiên được công nhận.
Riêng về ông Trần Quang Nam. Sau học Thạc sĩ, ông học Tiến sĩ theo "Chương trình 300 Tiến sĩ, Thạc sĩ trẻ" của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2001-2005 do Sở KH&CN làm đầu mối.
Cần phải hiểu rõ, đây là chương trình mà người trúng tuyển được nhà nước cho vay tiền để trả học phí, chi phí học tập… Sau mỗi năm học, người học tập kém phải hoàn trả toàn bộ tiền đã vay; người tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi được miễn hoàn trả toàn bộ kinh phí đã vay.
Hiện chưa rõ Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh có thẩm định kỹ hồ sơ dự tuyển của ông Trần Quang Nam như cách UBKT Trung ương làm đối với ông Nguyễn Xuân Anh hay không? Nhưng xin được nhắc lại: Nếu ông Nam học Thạc sĩ tại Southern California University for Professianal Studies như ông Xuân Anh, bằng Tiến sĩ của ông cần được nhiều cơ quan có thẩm quyền rà soát, đánh giá để không đối nghịch với kết luận của UBKT Trung ương.
Các khoản tiền chi cho Hiệu trưởng và sự tương phản
Kinh tế & Đô thị trong các bài viết trước đã chỉ ra hàng loạt khoản tiền (từ vài trăm ngàn tới trên trăm triệu đồng) trong một năm ông Trần Quang Nam được nhận.
Ông Trần Quang Nam nhận tới 04 đầu lương/phụ cấp, số tiền rất cao. |
Cụ thể, ngoài mức thu nhập lương và phụ cấp Hiệu trưởng là 52.546.000 đồng, ông Nam còn được 9.660.000 đồng tiền Ủy viên HĐQT, 19.950.000 đồng tiền Trưởng Ban Khoa học - Hợp tác - Đào tạo Sau Đại học, 19.950.000 đồng tiền Viện trưởng Viện Hàn Quốc học. Tổng cộng, ông Nam nhận lương và phụ cấp chức vụ lên tới 102.106.000 đồng/tháng.
Điều ngạc nhiên là, mức phụ cấp kiêm nhiệm của ông Nam lên tới 19.950.000 đồng. Trong khi đó, các nhân sự khác kiêm nhiệm lãnh đạo Khoa, bộ môn chỉ được phụ cấp 2.000.000 đồng hay 3.000.000 đồng (!?)
Kinh ngạc hơn, ngoài lương, phụ cấp, ông Nam còn nhận hàng loạt tiền thù lao, trực Tết, nghỉ phép, chỉ đạo, bồi dưỡng…, đưa tổng tiền ông nhận từ HUFLIT lên tới hơn 2,3 tỉ đồng.
Dẫn chứng cụ thể: Từ 5/2/2018 đến 23/2/2018 (lịch nghỉ Tết), số tiền "làm ngoài giờ" ông Nam nhận được lên tới 174.000.000 đồng (gần 10.000.000 đồng/ngày). Ở một trường Đại học hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh, vị Hiệu trường khả kính chỉ nhận 300.000 đồng/ngày trực Tết.
Mọi sự so sánh luôn khập khiễng. Và nếu một người có tài, đãi ngộ cho họ không bao giờ là đủ.
Tiền trực Tết 9 ngày của ông Nam bằng thu nhập cả năm của nhiều cán bộ, nhân viên HUFLIT - Phiếu nhận tiền số 1. |
Tuy nhiên tại HUFLIT, khi thu nhập của nhiều cán bộ, nhân viên sau cả năm lao động nhọc nhằn còn chưa bằng tiền "trực Tết" của lãnh đạo, thì thu nhập tiền tỉ của ông Nam, tiền "trực Tết" của ông Nam… bỗng trở nên lạc lõng. Cũng đừng quên, HUFLIT đang bị than phiền về học phí tăng, tăng gánh nặng cho bao gia đình, lên bao người trẻ.
Nhìn cơ man tiền và tiền kia, một bạn đọc liên tưởng tới những lùm xùm "biệt phủ". Rằng giữa biệt phủ xa hoa của quan chức và cuộc sống nghèo đói của nhân dân ấy, không phải là khoảng cách về chức vụ, vai trò, vị trí, mà là khoảng cách về thân phận.
Sự tương phản ấy, ai nhìn vào không thấy đắng cay, chua chát?
Đừng để người học "sống chết mặc bay"
Quay lại câu chuyện Trưởng phòng Nguyễn Huỳnh Long của Sở GD-ĐT.
Những lùm xùm về bằng cấp, các khoản thu nhập Hiệu trưởng HUFLIT nêu trên không phải bây giờ mới xuất hiện, mà đã được tranh luận tại cuộc họp từ 1/6/2018, có mặt ông Nguyễn Huỳnh Long.
Ông Long đã cho thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm được giao với HUFLIT hay chưa? Coi chuyện bằng cấp của Hiệu trưởng HUFLIT là chuyện "sống chết mặc bay" hay sao?
Cán bộ, giảng viên và người dân đang mong mỏi Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu vào cuộc xử lý như nhiều sự việc bất cập liên quan tới ngành giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh trước đây - Ảnh: SGGP. |
Thực tế, ai cũng ý thức được rằng: Nếu bằng Tiểu học vô giá trị (bằng giả, không được công nhận), thì bằng Trung học, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ... cũng không thể có giá trị.
Và khi Bộ GD-ĐT chưa công nhận bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ của ông Trần Quang Nam, ông này không thể đủ điều kiện để làm Hiệu trưởng. Từ đó, các văn bằng do Hiệu trưởng Nam ký có nguy cơ phải thu hồi, cấp lại. Việc này đã từng xảy ra tại ĐH Văn Lang vào tháng 3/2016, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người học.
Đã hơn 2 tháng trôi qua, liệu ông Nguyễn Huỳnh Long đã báo cáo Ban Giám đốc Sở GD-ĐT hay "đóng cửa bảo nhau"? Sở GD-ĐT có báo cáo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu để sớm rà soát hồ sơ, quy trình ký quyết định công nhận cho ông Nam làm Hiệu trưởng, hay thảo luận với các cơ quan Trung ương và Bộ GD-ĐT?
Và khi Bộ GD-ĐT chưa có quyết định công nhận các văn bằng của ông Trần Quang Nam, nhưng vẫn còn quyết định công nhận của UBND TP Hồ Chí Minh, liệu ông Nam có đủ điều kiện giữ cương vị Hiệu trưởng, ký cấp văn bằng?
Theo luật sự Đặng Anh Đức (Công ty Luật Đặng & Cộng sự), UBND TP Hồ Chí Minh ký quyết định công nhận Hiệu trưởng nói trên là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện các quy định về giáo dục đại học đều đã được luật hóa: Quốc hội đã ban hành Luật Giáo dục Đại học số 08/2012; Thủ tướng đã ký ban hành Điều lệ trường Đại học số 70/2014; Bộ GD-ĐT có Quyết định 77/2007 và Thông tư 26/2013 về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp..., thì các địa phương sao lại khó khăn về căn cứ áp dụng?
(Còn tiếp)
Thiện Duyên - Thanh Phong
Kỳ 1: Bằng cấp của Hiệu trưởng ĐH HUFLIT, những nghi vấn cần được làm rõ?
(Tieudung.vn) - Theo tin từ ĐH Ngoại ngữ Tin học TP Hồ Chí Minh (HUFLIT), suốt 2 năm qua, ông Trần Quang Nam, Hiệu trưởng nhà trường đã chưa "công khai" việc các bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ của ông đã được Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) công nhận hay chưa...? |
Kỳ 2: Hiệu trưởng ĐH HUFLIT Trần Quang Nam có khai man lý lịch?
(Tieudung.vn) - Theo điều tra của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Quang Nam học Thạc sĩ tại "Southern California University – Hoa Kỳ", là 03 chữ cái đầu của "Southern California University for Professianal Studies" (năm 2007 được đổi tên thành California Southern University). |
Kỳ 3: Đại học HUFLIT, từ vị Hiệu trưởng không lương tới anh Hiệu trưởng "tiền tỉ"
(Tieudung.vn) - HUFLIT là một trong những đại học tư thục đầu tiên của cả nước, gắn với tên tuổi nhà giáo Huỳnh Thế Cuộc. Hiệu trưởng Huỳnh Thế Cuộc trước đây tự nguyện nhường lương cho sinh viên nghèo, còn người kế nhiệm sau này, cán bộ trẻ Trần Quang Nam hiện nhận mức thu nhập tiền tỉ mỗi năm, trong đó có không ít khoản tiền gây tranh cãi… |
Kỳ 4: Lời gan ruột của người thầy 26 năm gắn bó với HUFLIT
(Tieudung.vn) - Sau 26 năm gắn bó với ngôi trường HUFLIT, thầy Phạm Hồng Kỳ bất ngờ nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động do Hiệu trưởng Trần Quang Nam ký ban hành vào đúng 27/7/2018, ngày mà bản thân thầy đang tưởng nhớ cha mình, một liệt sĩ. Cũng ngày này, đồng bào cả nước đang tưởng nhớ, tri ân các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất non sông. |