Vì sao vấn đề bằng cấp của Hiệu trưởng Đại học HUFLIT lại được mọi người quan tâm?
Theo Quy định của Luật Giáo dục Đại học năm 2012, Điều lệ trường Đại học năm 2014 hay chính Quy chế tổ chức và hoạt động Trường ĐH HUFLIT ban hành năm 2017, Hiệu trưởng phải có bằng Tiến sĩ mới được bổ nhiệm. Và trước bằng Tiến sĩ, bằng Thạc sĩ cũng phải được cơ quan chức năng thuộc Bộ GD&ĐT Việt Nam công nhận mới danh chính ngôn thuận học lên Tiến sĩ.
Hiệu trưởng Trần Quang Nam trong Lễ trao Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng tổ chức đánh giá và công nhận. Ảnh: http://huflit.edu.vn. |
Cụ thể, ông Trần Quang Nam được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học HUFLIT từ 1/3/2016 theo Quyết định số 797/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nội bộ nhà trường từ đó đã băn khoăn về tính "chuẩn chỉ" của tấm bằng Tiến sĩ đề tên ông Nam và đề nghị phải nhanh chóng minh bạch mọi thông tin liên quan tới các các bằng cấp của Hiệu trưởng.
Tuy vậy, dù đã 02 năm kể từ ngày Hiệu trưởng được bổ nhiệm, nhiều lãnh đạo, cán bộ giảng viên Đại học HUFLIT vẫn chưa được thông tin về "chất lượng" của các bằng cấp nói trên, dù theo quy định của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), chỉ trong thời gian 30 ngày từ ngày nhận hồ sơ, các cá nhân, tổ chức muốn xác định tính "chính danh" của bằng cấp sẽ được Trung tâp công nhận văn bằng (thuộc Cục Quản lý chất lượng) trả lời rốt ráo (?!)
Theo nguồn tin của chúng tôi, bằng Tiến sĩ của ông Trần Quang Nam do trường Business School Lausanne (Thụy Sỹ) cấp, nhưng chưa rõ đã được Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) công nhận hay chưa?
Đáng chú ý, đối với các chương trình du học Tiến sĩ, người học phải nộp hồ sơ bao gồm văn bằng Thạc sĩ được công nhận. Có nghĩa, nếu công nhận bằng Tiến sĩ, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) sẽ gián tiếp công nhận bằng cấp Thạc sĩ của ông Trần Quang Nam, là cơ sở để những người học khác dễ dàng làm thủ tục công nhận văn bằng với Bộ GD&ĐT.
Về tấm bằng Thạc sĩ này. Trong lý lịch khoa học của ông Trần Quang Nam tại Đại học HUFLIT chúng tôi thu thập được, quá trình đào tạo sau đại học của ông Nam ghi rất "vắn tắt". Cụ thể: Ông Nam học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Hoa Kỳ, bằng được cấp năm 2002. Trong khi đó, quá trình học Đại học (trước học Thạc sĩ) và Tiến sĩ (sau học Thạc sĩ) của ông được ghi rất cụ thể và chi tiết (?!)
Ngôi trường ông Nguyễn Xuân Anh từng học Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên đào tạo trực tuyến. |
Theo một lãnh đạo nhà trường, cá nhân ông và không ít cán bộ, giảng viên có biết tấm bằng Tiến sĩ, nhưng chưa rõ "mặt mũi" tấm bằng Thạc sĩ của Hiệu trưởng Nam. Cũng từ đó, có nhiều nguồn tin cho rằng ông Nam đã theo học từ xa tại một trường đại học thuộc Nam California (Hoa Kỳ), một địa phương có trường Southern California University for Professianal Studies (năm 2007 đổi tên thành California Southern University), ngôi trường mà cựu Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh từng theo học.
Trường California Southern University là trường tư thục, đào tạo theo hình thức trực tuyến và ai cũng có thể đăng ký học. Trường này không có kỳ tuyển sinh và hàng tháng luôn mở những khóa học mới. Và thay vì siết chặt giờ giấc như truyền thống, sinh viên của trường có thể tự sắp xếp thời gian học cho mình, ngay cả trước khi đi ngủ hay trong thời gian nghỉ ngơi.
Và khác nhiều trường đại học ở Mỹ, trường không yêu cầu ứng viên viết luận. Họ chỉ phải nộp bảng điểm tại các cấp học trước (trung học đối với cử nhân, đại học đối với Thạc sĩ, Thạc sĩ đối với Tiến sĩ) và tự chi trả học phí: Chương trình cử nhân 350 USD/giờ tín chỉ; chương trình Thạc sĩ 435 USD/giờ tín chỉ; chương trình Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh 450 USD/giờ tín chỉ..., chưa kể tiền mua sách.
Về chất lượng của bằng cấp từ ngôi trường này, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh (người từng học Thạc sĩ, Tiến sĩ giai đoạn 2001-2002 và 2005-2006) đã bị kết luận vi phạm: Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều Đảng viên không được làm.
Trao đổi với phóng viên, một số cán bộ, giảng viên bày tỏ lo lắng: Nếu bằng cấp của Hiệu trưởng không được Bộ GD&ĐT công nhận, sẽ ảnh hưởng tới uy tín nhà trường; Đồng thời, bằng cấp của các tân cử nhân do ông Trần Quang Nam ký cũng đứng trước nguy cơ phải nộp lại, cấp lại nếu như bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ của Hiệu trưởng không được công nhận - tức ông Nam không đáp ứng các quy định của pháp luật để làm Hiệu trưởng, sẽ là sự thiệt thòi lớn cho các em sinh viên, các gia đình, thậm chí các cơ quan, doanh nghiệp...
Các lãnh đạo, cán bộ, giảng viên ĐH HUFLIT mong mỏi Bộ GD&ĐT, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ sớm kiểm tra và minh bạch thông tin công nhận các bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ của ông Trần Quang Nam, cho họ đặt để niềm tin vào năng lực, trình độ của Hiệu trưởng, sự an toàn của người học, gìn giữ sự liêm chính, tự trọng của môi trường giáo dục hiện đang có quá nhiều tồn tại, bất cập.
(Còn tiếp)
Xuân Nhã - Chính Trực