Vợ Hiệu trưởng có thuộc diện được “đặc cách”?
Ngày 25/1/2016, PGS.TS Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM ký quyết định về việc “công nhận kết quả xét tuyển viên chức đợt 2 năm 2015”. Danh sách gồm có 02 người, TS H.B.M (SN 1979) về Khoa hệ thống thông tin quản lý và Thạc sĩ Lê Thị Chúc Ly (SN 1973) về Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ. Đáng chú ý, bà Chúc Ly là người có trình độ Thạc sĩ, khá “lạc lõng” trong số các Tiến sĩ được tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển năm 2015, 2016 tại ĐH Ngân hàng TP.HCM, gây ra không ít “băn khoăn”.
Đại học Ngân hàng TP.HCM – Ảnh: Nam Hà |
Năm 2016, “chuẩn” để được xét đặc cách đối với các nhân sự được ĐH Ngân hàng TP.HCM đưa ra là “Trình độ từ Tiến sĩ trở lên”. Còn năm 2017, đối tượng được “xét tuyển đặc cách” là: “Đối với khối giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên; Đối với khối quản lý ứng viên Thạc sĩ trở lên, có kinh nghiệm công tác, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.”
Đối với trường hợp bà Lê Thị Chúc Ly, liệu ĐH Ngân hàng TP.HCM có thực hiện “hạ chuẩn” đối với trình độ người được đặc cách, có thông báo rõ ràng trên bảng tin, website trường năm 2015? Thêm nữa, dù là ở vị trí khối quản lý, liệu bà Chúc Ly có đủ kinh nghiệm trên 05 năm ở lĩnh vực cần tuyển – chuyên viên Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ? Trước khi chuyển về ĐH Ngân hàng TP.HCM, bà Chúc Ly có thời gian công tác tại một phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, liệu bà Ly có đủ “kinh nghiệm công tác” ở vị trí chuyên viên của một trường Đại học hay Viện nghiên cứu nào hay không để có thể được đặc cách hợp tình hợp lý?
Đáng chú ý, năm 2015, ĐH Ngân hàng TP.HCM có tổ chức thi tuyển viên chức (công bố kết quả đợt 2 vào 6/4/2016), có những băn khoăn rằng: Tại sao bà Lê Thị Chúc Ly lại không tham gia dự thi tuyển để hạn chế việc tạo ra những hồ nghi?
Tại sao vợ Hiệu trưởng không phải nhận lương “khởi điểm”?
Ngoài việc được đặc cách, dựa trên mức lương bà Lê Thị Chúc Ly được hưởng trong bảng kê lương mà chúng tôi thu thập được, thể hiện việc bà Ly có thể đã không trải qua thời gian tập sự công việc (Nếu trải qua tập sự sẽ phải nhận lương khởi điểm, khó có thể “nhảy” lên 3,66 chỉ trong 1 đến 2 năm). Nếu vậy, ĐH Ngân hàng TP.HCM có thể đã vi phạm Điều 27 Luật viên chức và Điều 20 Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Một thông báo tuyển dụng ghi rõ “đối tượng xét tuyển đặc cách” năm 2016. |
Tại Điều 20 về “chế độ tập sự”, Nghị định 29/2012?NĐ-CP của Chính phủ quy định: “1. Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật viên chức (Khoản 1 Điều 27 Luật viên chức: “Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí làm việc được tuyển dụng” – PV); Thời gian tập sự từ 03 tháng đến 12 tháng và phải được quy định trong hợp đồng làm việc”.
Tiếp đó, mức lương tới 3,66 của bà Lê Thị Trúc Ly cũng có dấu hiệu vi phạm các quy định của nhà nước. Điều 22 Nghị định 29/2012-NĐ-CP quy định: “Chế độ, chính sách đối với người tập sự và người hướng dẫn tập sự: 1. Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng. Trường hợp người tập sự có trình độ Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì người tập sự có trình độ Thạc sĩ được hưởng 85% mức lương bậc 2, người tập sự có trình độ Tiến sĩ được hưởng 85% mức lương bậc 3 của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng. Các khoản phụ cấp được hướng theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ Điều 22 Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ, bà Chúc Ly chỉ được hưởng 85% mức lương bậc 2 – hệ số 2,67 (Theo Nghị định 204/2014/NĐ-CP, ngạch chuyên viên, giảng viên lương Bậc 2 có hệ số 2,67 – PV). Thử làm một phép toán, với mức lương bậc 2, hưởng 85% như luật định, bà Chúc Ly khi vào trường sẽ được hưởng lương: 2,67 x 85% = 2,27. Việc “đặc cách” cho bà Chúc Ly lên mức 3,66 (ngành ngân hàng có thể tăng 200 hay 300% thu nhập căn cứ trên hệ số lương – PV), liệu có tạo nên sự bất công đối với các cán bộ nhân viên làm việc lâu năm tại ĐH Ngân hàng TP.HCM và gây thất thoát ngân sách?
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi còn phát hiện hàng loạt nghi vấn liên quan tới việc tuyển dụng các nhân sự là người thân quen của lãnh đạo trường; việc điều động cán bộ, viên chức có dấu hiệu chưa đúng quy định…