"Chúng tôi đã làm nhiều chương trình bồi dưỡng, nhưng không ngờ số tiền chi cho chương trình này lớn như thế…"
Nhiều giảng viên của Trường này đã chủ động liên hệ với báo chí để nói lên tâm tư của mình trước những thông tin mà Tieudung.vn đã phản ánh; hé lộ thêm cho phóng viên những thông tin "động trời" tại trường (chúng tôi sẽ xác minh để phản ánh trong những bài viết tiếp theo). Và chúng tôi cũng đã chủ động liên lạc, tiếp xúc với nhiều giảng viên của trường này để ghi nhận thêm ý kiến của các thầy, cô.
Trả lời phỏng vấn Tieudung.vn, Thạc sĩ Phan Thị Thúy Ngọc “mẹ đẻ” của cuốn tài liệu “Nâng cao năng lực quản lý tài chính tài sản trong giáo dục” cho biết: “Tôi thực hiện viết khoảng 70% nội dung của cuốn sách này, từ việc định hướng, "khung sườn" của tài liệu cũng là chất xám của tôi. Tôi không sử dụng bất cứ các tài liệu do nhóm thực hiện chương trình, của nhà trường để viết phần nội dung này. Và số tiền tôi thực nhận của họ (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh thuê Thạc sĩ Phan Thị Thúy Ngọc viết – PV) chỉ vỏn vẹn 30 triệu đồng”. |
Một giảng viên lâu năm nói với báo chí: "Nghe tin thực hiện một chương trình bồi dưỡng mà kinh phí lên tới 600 triệu đồng chúng tôi rất lấy làm lạ. Bởi bản thân chúng tôi cũng tham gia làm các chương trình bồi dưỡng có giá trị tại Trường trước đây, thậm chí có chương trình gần tương đồng với chương trình này (Chương trình Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục - PV) nhưng kinh phí thực hiện rất là ít. Khi biết, cảm xúc đầu tiên của chúng tôi là bất ngờ! Vụ việc có dấu hiệu tham ô tài sản có liên quan tới con người cụ thể, sự việc cụ thể tại trường đã được người cụ thể tố cáo, báo chí chính danh phản ánh, nêu đích danh. Tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, cần phải làm rõ sự thật, trách nhiệm người tố cáo, người bị tố cáo. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm!"
"Cảm giác chung, là buồn, hay đúng hơn là xấu hổ. Trường mình có lịch sử, truyền thống đáng tự hào, có uy tín trong bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành giáo dục, không chỉ ở 32 tỉnh phía Nam. Báo chí thông tin như vậy, nhưng lãnh đạo cao nhất của Trường lại không có một lời giải thích chính thức nào cả. Lúc này, khi đi giảng các học viên có hỏi, cán bộ giảng viên cũng không biết phải giải thích, trả lời như thế nào…", hàng chục giảng viên của Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh đều có cùng ý kiến như vậy khi tiếp xúc với báo chí.
![]() |
Có thể nói, thạc sĩ Phan Thị Thúy Ngọc là "mẹ đẻ" của cuốn tài liệu này. |
Đáng chú ý, nhiều cán bộ, giảng viên còn bày tỏ sự mất niềm tin vào các lãnh đạo cấp cao của nhà trường, khi để nhiều sự việc xảy ra làm mất uy tín của nhà trường, danh dự của cán bộ, giảng viên, nhân viên, khiến mọi người mất cảm hứng để làm việc. Họ cho rằng, mất niềm tin với lãnh đạo là mất tất cả, và mong muốn mọi việc sớm được làm rõ trắng đen, lấy lại danh dự cho các nhà giáo!
"Giả dối, tham nhũng của các ngành khác đã nguy hiểm, nhưng nếu giả dối, tham nhũng trong giáo dục, hậu quả sẽ ghê gớm, ảnh hưởng tới giá trị giáo dục, nhân cách giáo dục. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, nếu đúng là sự thật như người tố cáo đã tố cáo, như báo chí đã phản ánh thì đó là hành vi tham nhũng trong giáo dục, cần làm sạch bộ máy giáo dục để trả lại giá trị đẹp cho giáo dục. Nếu không đúng thì phải xử lý người tố cáo, xử lý báo chí đăng tin sai sự thật và trả lại danh dự cho nhà trường chúng tôi.
Trường chúng tôi là trường đầu ngành về đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, cần phải minh bạch, làm sạch tiêu cực, không thể để bao che cho nhau, không thể để chìm xuồng. Và theo tôi, là trách nhiệm của tất cả mọi người, không thể bao che cho cái xấu, nếu có. Mà trong giáo dục, cái xấu ấy là cái ác…", một giảng viên cho biết.
Quan điển của các luật sư: Có dấu hiệu tội “Tham ô tài sản”!
Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Tham ô tài sản” Tại khoản 1 quy định: "Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm". Tại khoản 2 quy định: "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng" Tại khoản 3 quy quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 - 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng…”. Ngoài ra tại khoản 5, còn quy định: “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), nhận định: “Sau khi xem các quy định tại điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, cho thấy hành vi làm không đúng nội dung kế hoạch được duyệt, lập khống chứng từ với mục đích chiếm đoạt tiền dự án, có dấu hiệu lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Vì ở đây những người được giao nhiệm vụ đã cố ý sửa nội dung kế hoạch, lập khống chứng từ nhằm quyết toán, rút tiền dự án. Ngoài ra, họ còn có hành vi giả mạo trong công tác, như vậy có thể hiểu nhóm người đó đã có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”.
Đồng quan điểm với luật sư Dương Vĩnh Tuyến là luật sư Nguyễn Minh Cảnh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh). Luật sư Cảnh, nói: “Những người này dùng nhiều thủ đoạn rút tiền của Nhà nước và chiếm đoạt tài sản ấy. Vì vậy có thể hiểu họ là những người lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tai sản do họ quản lý. Hành vi của những người này đã có dấu hiệu phạm tội “Tham ô tài sản” đươc quy định tại điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Còn Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Trong trường hợp này nếu như các lãnh đạo của Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh, đã chiếm đoạt tài sản Nhà nước, sau đó lập chứng từ khống để che đậy hành vi chiếm đoạt tiền thì rơi vào tội “Tham ô tài sản”, Tuy nhiên tùy theo quá trình điều tra có thể vi phạm tội danh khác theo Bộ luật Hình sự quy định. Bởi lẽ tội “Tham ô tài sản” là hành vi người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Tôi đồng tình quan điểm tội “Tham ô tài sản” trong trường hợp các cán bộ này đã chiếm đoạt tiền, sau đó lập cứng từ khống để che đậy hành vi chiếm đoạt”.
Như Tieudung.vn đã thông tin, nhóm thực hiện Chương trình "Chương trình bồi dưỡng Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục cho công chức, viên chức ngành giáo dục" đã có dấu hiệu tham ô tiền ngân sách nhà nước, cụ thể: Thứ nhất: Tự ý điều chỉnh (và được Hiệu trưởng Hà Thanh Việt đồng ý - PV) nhiều nội dung công việc khác với Tờ trình số 779. Cụ thể là việc tự ý bỏ nội dung “tổ chức hội thảo, hội nghị” bằng việc lấy ý kiến các chuyên gia. Những nội dung điều chỉnh này đã tạo thuận lợi cho nhóm thực hiện chương trình làm khống chứng từ để quyết toán tiền ngân sách. Thứ hai: Lập khống hồ sơ tài chính, phiếu khảo sát về khảo sát, đánh giá nhu cầu. Theo Kế hoạch 779, công việc đầu tiên khi xây dựng Chương trình bồi dưỡng Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục là phải tổ chức khảo sát đánh giá nhu cầu tại 10 tỉnh, thành phố (Gia Lai, Phú Yên, Đà Nẵng, Bình Định, Đăklăk, Quảng Nam, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kon Tum - PV). Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh đã cử đoàn đi khảo sát - đánh giá gồm 05 người: Ông Phan Minh Phụng (Phó Hiệu trưởng), ông Vũ Đình Bảy (Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn giáo dục), bà Lê Thị Thanh Loan (Phụ trách phòng Quản trị, vừa được chuyển qua làm Phó phòng Kế hoạch - Tài chính), bà Phạm Bích Thủy (Đảng ủy viên, Trưởng khoa Quản lý giáo dục), ông Phạm Đào Tiên (Phó Trưởng phòng Đào tạo, kiêm Giám đốc Trung tâm tin học và ngoại ngữ). Mặc dù không hề tổ chức đi khảo sát - đánh giá nhu cầu tại 10 tỉnh, thành phố nêu trên như trong Kế hoạch 779, nhóm này vẫn có “đầy đủ” chứng từ theo quy định để rút tiền từ ngân sách lên đến 246,5 triệu đồng. Để hợp thức hóa chứng từ, hồ sơ, nhóm này đã liên hệ với một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh để lấy phiếu khảo sát nhu cầu từ các học viên đang theo học các lớp do trường này tổ chức và các sinh viên đang học tại trường này. Vì vậy, các phiếu khảo sát này đã không đúng đối tượng, không đúng kế hoạch và chỉ lấy “cho có” của học viên đang học các lớp của trường và sinh viên đại học. Thứ ba: Lập khống hợp đồng và phiếu chi trong việc viết Chuyên đề. Theo quy định, nhóm thực hiện chương trình phải tổ chức triển khai viết 14 chuyên đề, với số tiền là 12.000.000 đồng/chuyên đề. Các cá nhân tham gia viết chuyên đề trong hồ sơ thanh quyết toán tiền ngân sách gồm bà Thủy (5 chuyên đề, 60 triệu đồng), ông Phụng (3 chuyên đề, 36 triệu đồng), ông Bảy (4 chuyên đề, 48 triệu đồng ), bà Loan (2 chuyên đề, 24 triệu đồng). Với việc làm khống hợp đồng viết chuyên đề và chi nhận tiền viết chuyên đề, nhóm này đã chiếm đoạt hàng chục triệu đồng trong tổng 168 triệu đồng để viết 14 chuyên đề. Thứ tư: Tổ chức nghiệm thu chương trình sai quy định. Cơ sở pháp lý quan trọng để quyết toán 600 triệu đồng là Biên bản nghiệm thu Chương trình, Tài liệu. Tuy nhiên, thực tế việc nghiệm thu này đã được lập hồ sơ khống (không có kế hoạch, không có khách mời, không có ngày-giờ tổ chức nghiệm thu, một chương trình lớn mà không thông báo, đăng tin,…). Thứ năm: Gian dối, giả mạo trong việc “Tổ chức lớp bồi dưỡng thể nghiệm” và lập chứng từ khống để thanh toán chi phí mở lớp thể nghiệm. Chúng tôi được biết, nhóm thực hiện chương trình đã “phù phép” biến “Lớp cập nhật kiến thức quản lý tài chính, tài sản dành cho Chủ tài khoản và cán bộ kế toán trong trường học” tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 3 TP Đà Nẵng (đây là lớp dịch vụ, có thu học phí 1.000.000 đồng/học viên, tổng kinh phí là 235 triệu đồng) thành lớp thể nghiệm của Chương trình bồi dưỡng “Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục” theo như Kế hoạch 779 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Theo Kế hoạch 779, nhóm thực hiện chương trình phải mở 2 lớp bồi dưỡng thí điểm cho giáo viên trong Trường với tổng kinh phí 200.000.000 đồng, học viên được học miễn phí, và nguồn chi là kinh phí không thường xuyên NSNN (trong gói 600 triệu Bộ GD&ĐT cấp), thế nhưng nhóm thực hiện chương trình này đã tự ý lấy lớp dịch vụ của Trường để quyết toán thành lớp thí điểm như trong Kế hoạch 779. Thêm nữa, với rất nhiều khoản chi được "đặt tên" để lấy tiền ngân sách từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên "kết quả" của chương trình nói trên (tài liệu Quản lý tài chính, tài sản trong trường phổ thông - VP) lại không phải do nhóm thực hiện Chương trình làm ra, mà phần lớn là đi "vay mượn chất xám". Sự giả mạo công tác trắng trợn và nghiêm trọng để rút tiền ngân sách nói trên hiện đã hoàn thành, khi mà toàn bộ chương trình bồi dưỡng "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" nói trên đã được nghiêm thu, giải ngân. |
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Nhóm PV