Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thí sinh sẽ thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Theo cách lựa chọn môn thi như vậy, ngoài hai môn Toán, Ngữ Văn bắt buộc, các thí sinh muốn xét tuyển đại học theo tổ hợp các môn Khoa học Xã hội thường sẽ chọn thi thêm hai môn Lịch sử và Địa lý. Vì vậy, nếu một số trường bỏ xét tuyển khối C00 nhưng vẫn sử dụng các tổ hợp có Toán - Ngữ Văn để xét tuyển như: Toán - Ngữ Văn - Lịch sử, Toán - Ngữ Văn - Địa lý, Toán - Lịch sử - Địa lý thì thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT các môn này.
Hiện nay, hầu hết các trường khi xây dựng tổ hợp xét tuyển đều có các tổ hợp này, trong quá trình học tập, học sinh được rèn luyện tư duy Toán học sẽ rất thuận lợi trong phát triển nghề nghiệp. Việc xây dựng các tổ hợp có môn Toán, thay vì hoàn toàn các môn xã hội như tổ hợp C00 (Ngữ Văn - Lịch sử - Địa lý) cũng sẽ giúp các trường phân loại thí sinh tốt hơn trong quá trình xét tuyển.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Tuy nhiên, cá biệt, hiện có một số trường khi xây dựng tổ hợp xét tuyển chú trọng có môn Tiếng Anh như: Lịch sử - Địa lý - Tiếng Anh; Ngữ Văn - Lịch Sử - Tiếng Anh; Ngữ Văn - Địa lý - Tiếng Anh; Ngữ Văn - Giáo dục Công dân - Tiếng Anh… thì những thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp với 4 môn (Toán - Ngữ Văn - Lịch sử - Địa lý) sẽ mất cơ hội để đăng ký xét tuyển các tổ hợp này vì không có điểm thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh. Điều này gây bất lợi cho thí sinh trong quá trình xét tuyển.
Vì vậy, khi nhận được thông tin phản ánh về việc một số cơ sở đào tạo bỏ hẳn tổ hợp C00 và xét tuyển theo các tổ hợp nêu trên, Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay, đã trao đổi với các trường và lưu ý các cơ sở đào tạo có sự điều chỉnh tổ hợp xét tuyển cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi thí sinh.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường khẩn trương điều chỉnh lại các tổ hợp xét tuyển, đảm bảo quyền lợi của thí sinh, không xây tâm lý xáo trộn trước ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. "Dù các trường được tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh nhưng phải hợp lý và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các em", đại diện Bộ GD&ĐT cho hay.
Năm nay là năm đầu tiên các thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các em chỉ thi bắt buộc hai môn Toán và Ngữ văn, được lựa chọn thêm hai môn trong số các môn còn lại đã học ở bậc phổ thông. Thời điểm này, việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp đã hoàn tất trước thời điểm các trường công bố thông tin tuyển sinh.
Trước đó, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lý giải: "Trường tăng cường lựa chọn các tổ hợp D14, D15, D01 (Toán, Văn, Anh), D66... trên cơ sở định hướng đổi mới về các môn thi THPT, theo yêu cầu tuyển sinh của từng ngành và chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT", bà nói. Việc này còn nhằm thực hiện chiến lược quốc tế hóa các chương trình đào tạo.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay cơ sở này chỉ ra hướng dẫn chung với các trường thành viên. Việc lựa chọn tổ hợp nào do trường chủ động. Theo hướng dẫn của Bộ, các trường phải xác định các phương thức, tổ hợp phù hợp với chương trình đào tạo, quy đổi điểm chuẩn tương đương. Vì vậy, các trường phải có cách chọn để còn đáp ứng được yêu cầu.
Về thời điểm công bố, ông Tuấn cho rằng phù hợp với quy định của Bộ. Bởi Quy chế tuyển sinh đại học 2025 nêu rõ các trường công bố thông tin tuyển sinh trước khi mở đăng ký dự tuyển đợt đầu ít nhất 30 ngày. Năm nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học từ 16/7 đến 28/7.