Theo nguồn tin trên infonet, theo chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học mới 2021-2022 toàn ngành cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học mới linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Trường mầm non đô thị Sài Đồng
Các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến, hoặc căn cứ tình hình tại địa phương để tổ chức lễ khai giảng an toàn, gọn nhẹ, thiết thực. Ngoài ra, việc tận dụng thời gian tổ chức dạy học trực tuyến khi dịch bệnh được kiểm soát cũng được nêu trong chỉ thị.
“Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức học trực tiếp, các cơ sở giáo dục sẽ dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, đồng thời đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo ông ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) năm học 2021-2022, giáo dục mầm non sẽ tập trung đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần, tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ông Minh lưu ý, cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ, mà tập trung phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn trẻ tại nhà. Tranh thủ “thời gian vàng” khi có thể đến trường để ưu tiên hướng dẫn kỹ năng cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1.
Ngoài ra, các địa phương cũng khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ đó, tham mưu cho chính quyền các cấp có giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động của các cơ sở, hỗ trợ giáo viên bị ảnh hưởng. Tránh tình trạng giáo viên nghỉ việc, cơ sở giải thể, bởi đây là nguy cơ rất lớn đối với giáo dục mầm non.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, thời gian qua, trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài. Ở một số tỉnh, tỉ lệ trẻ em béo phì tăng lên so với năm học trước. Các cơ sở giáo dục, giáo viên cần tiếp tục phối hợp sâu hơn với gia đình của trẻ để khắc phục điều này. Vụ Giáo dục Mầm non cũng sẽ phối hợp với Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) để có các bài tập luyện, hỗ trợ phụ huynh chăm sóc trẻ trong thời gian trẻ phải tạm dừng đến trường do dịch bệnh.
Hà Nội hiện có 1.150 trường mầm non và hơn 2.700 nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục với tổng số trẻ ra lớp đạt gần 563.000 trẻ. Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục mầm non Hà Nội tập trung thực hiện chủ đề của năm học “Xây dựng trường mầm non xanh, an toàn, thân thiện.”
Toàn ngành triển khai 5 nhiệm vụ cụ thể gồm nâng cao hiệu quả công tác quản lý; đầu tư nguồn lực chuẩn hóa, hiện đại hóa mạng lưới trường, lớp; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; đẩy mạnh xã hội hóa.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề nghị Phòng GD&ĐT tăng cường công tác tham mưu với chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.