Ảnh minh họa. |
Tại Hội nghị "Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết:" Hiện nay, cả nước có 6 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Hongkong (Trung Quốc) và 2 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11.000 tấn (trị giá khoảng 100 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt khoảng 10.600 tấn (trị giá khoảng 46 triệu USD)".
Có thể thấy, sản lượng xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đã gần bằng tổng sản lượng xuất khẩu của năm ngoái. Tuy nhiên, gía trị xuất khẩu thấp, chỉ bằng gần 50% tổng giá trị xuất khẩu năm 2016 và trong nước vẫn xảy ra tình trạng dư thừa thịt lợn. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu thịt lợn chính ngạch.
“Trong nhiều năm qua sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn choai của Việt Nam luôn bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không có lô hàng nào xuất khẩu sang các nước bị trả về và đã tạo được uy tín trên thị trường”, ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở giết mổ hiện đều không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, không có chuỗi sản xuất thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đến sản phẩm xuất khẩu.
Duy chỉ có, công ty TNHH Koyu & Unitek đăng ký năm 2016 tại tỉnh Đồng Nai mới được đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín từ khâu chế biến thức ăn chăn nuôi đến sản phẩm thịt gà chế biến xuất khẩu.
Hiện tại, cũng chỉ có Koyu & Unitek và ông ty TNHH CP Việt Nam đăng ký vào tháng 5/2017 là hai công ty đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà đã qua chế biến sang Nhật Bản.
Trong khi đó, tất cả các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu.
Đồng quan điểm với ông Thành, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cũng cho rằng: "Để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, các doanh nghiệp có nguồn lực cần tổ chức xây dựng đề án sản xuất lợn sữa, lợn thịt theo chuỗi khép kín (từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm để xuất khẩu) bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu".
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tổ chức xây dựng đề án sản xuất thịt lợn theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm, hệ thống dây chuyền giết mổ và pha lóc, hệ thống bảo quản mát (từ 2oC - 6oC), cấp đông với hệ thống máy/hầm cấp đông có nhiệt độ từ -40oC đến -45oC), hệ thống kho bảo quản, nhiệt độ phải đảm bảo ở -20oC,… không có tồn dư các hóa chất như kháng sinh, hóc môn, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng,.. theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
"Về lâu dài cũng cần tập trung đầu tư vùng chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đi các nước", ông Đông cho hay.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho rằng, "Trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp nên hướng đến sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến. Muốn vậy các doanh nghiệp phải có đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế".
Đối với xuất khẩu động vật sống, các nước nhập khẩu có yêu cầu rất khắt khe về điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh, họ có rất nhiều rào cản kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng của nước họ.
Chính vì vậy, cần đảm bảo an toàn dịch bệnh, có các vùng sản xuất an toàn, các cơ sở phải thực hiện chăn nuôi, sản xuất an toàn dịch bệnh, cần có quy hoạch cụ thể và có chính sách phù hợp nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đối với các chính sách tín dụng, nếu doanh nghiệp vẫn thấy có khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp nhận ý kiến và kiến nghị Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ kịp nhằm hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp mở thị trường.