Thứ 6, 04/10/2024, 19:39 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Các tổ chức trong nước và quốc tế lên tiếng về việc Bộ NN&PTNT loại bỏ nhiều thuốc BVTV

Các tổ chức trong nước và quốc tế lên tiếng về việc Bộ NN&PTNT loại bỏ nhiều thuốc BVTV
(Tieudung.vn) - Khung hành lang pháp lý dựa trên cơ sở khoa học, hài hoà tiêu chuẩn quốc tế, minh bạch là tiền đề cho việc ứng dụng có hiệu quả và bền vững các giải pháp khoa học tiên tiến trong nông nghiệp.

Theo đó, 7 tổ chức trong nước và quốc tế bao gồm: Hội, Hiệp hội các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam vừa ra tuyên bố chung đề xuất Chính phủ Việt Nam thúc đẩy đổi mới ngành nông nghiệp bảo đảm lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Động thái này diễn ra sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tuyên bố sẽ loại bỏ nhiều sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang lưu hành tại Việt Nam.

Thông điệp chung

Các tổ chức nói trên bao gồm: EuroCham: Hiệp Hội Doanh nghiệp Châu  u tại Việt Nam; EU-ASEAN Business Counci l: Hội đồng Doanh nghiệp Châu  u – ASEAN; US-ASEAN Business Council: Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ – ASEAN; HACAS: Hội Hoá Chất Nông nghiệp thành phố Hà Nội; VIPA: Hiệp hội Thuốc BVTV Việt Nam; US Chamber of Commercial: Phòng Thương mại Hoa Kỳ; CropLife Việt Nam.

Mô tả ảnh
Phun thuốc bảo vệ thực vật.


Trong chuỗi sản xuất này, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đóng vai trò quan trọng, là công cụ hữu hiệu trong việc sản xuất nhiều lương thực hơn với ít nguồn tài nguyên hơn. Thiếu đi công cụ quan trọng này, hơn nửa sản lượng lương trồng trên toàn thế giới sẽ bị thất thoát do tác hại từ sâu hại, cỏ dại, bệnh hại và có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn về kinh tế cũng như về môi trường. Để thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, cần có sự bảo đảm chắc chắn rằng người nông dân tiếp tục được sử dụng và được tập huấn nghiêm ngặt về an toàn, hiệu quả các sản phẩm BVTV. Đây là điều kiện tiên quyết để người nông dân tiếp tục sản xuất ra nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng với giá thành phù hợp. 

“Chúng tôi kính đề nghị Chính phủ tham vấn rộng rãi ý kiến chuyên sâu với các Bên hữu quan trong và ngoài nước, đánh giá dựa trên cơ sở khoa học với những quy chuẩn và phương pháp được quốc tế công nhận trong quá trình rà soát các sản phẩm thuốc BVTV. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ đưa ra một lộ trình cụ thể và phù hợp triển khai quá trình rà soát này nhằm đảm bảo người nông dân tiếp tục được sử dụng công cụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, vốn là một ngành mũi nhọn của quốc gia”, tuyên bố chung này nêu rõ.

Theo đó, lộ trình này là cần thiết và nhất quán với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm thúc đẩy thương mại và tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, bên cạnh đó đẩy mạnh công khai minh bạch.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BVTV hiện tại cũng cam kết có trách nhiệm và hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu quan trọng về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cụ thể, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục hợp tác hợp tác chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để nghiên cứu phát triển các sản phẩm thay thế từ thiên nhiên, cung cấp các chương trình đào tạo, tập huấn sử dụng thuốc BTVT an toàn và hiệu quả.

Đồng thời, sẽ đề xuất các giải pháp phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm vào năm 2021 mà không ảnh hưởng đến tính bền vững và khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để hạn chế việc nhập khẩu trái pháp luật.

Các tổ chức trên tầm nhìn với Chính phủ và Bộ NN&PTNT về việc xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của nông sản Việt trên quốc tế và cải thiện thu nhập nông hộ. 

Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển và giới thiệu các giải pháp khoa học tiên tiến nhất, phù hợp với mô hình canh tác nông hộ quy mô nhỏ tại Việt Nam với phương châm sản xuất được nhiều hơn, tạo ra nhiều lợi ích hơn nhưng sử dụng nguồn lực đầu vào ít hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Song song với việc giới thiệu các giải pháp mới, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả và mức độ tiếp cận của các chương trình đào tạo, tập huấn cho nông dân – hướng dẫn họ sử dụng có hiệu quả và trách nhiệm các giải pháp này.

Các tổ chức và doanh nghiệp trong ngành BVTV chia sẻ và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ và Bộ NN&PTNT Việt Nam cắt giảm và hạn chế việc sử dụng một số loại thuốc đã lỗi thời, hiệu lực kém và chuẩn an toàn thấp. “Chúng tôi cũng cam kết sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng, an toàn và có trách nhiệm. Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu và bền vững nhất để giải quyết tình trạng lạm dụng thuốc BVTV tại Việt Nam hiện nay. Chúng tôi ủng hộ và kêu gọi mọi quyết định pháp lý liên quan tới thuốc BVTV nói chung và các sản phẩm thuốc trừ cỏ nói riêng cần phải có lộ trình rõ ràng, được tham vấn rộng rãi và công khai với các bên liên quan và phải căn cứ vào các nền tảng khoa học và tiêu chuẩn quốc tế được công nhận”, đại diện CropLife Việt Nam cho biết thêm.  

CropLife Việt Nam cho rằng: Các biện pháp hạn chế và cấm sử dụng thuốc BVTV một cách đột ngột sẽ khiến nông dân mất đi công cụ quan trọng để bảo vệ cây trồng, giảm năng suất và thu nhập nông hộ; đồng thời hạn chế cơ hội đầu tư và giới thiệu giải pháp tiên tiến từ các tập đoàn phát triển công nghệ trên thế giới trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. 

Tập huấn cho nông dân sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm

Các chương trình hợp tác mà CropLife Việt Nam cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BVTV đang triển khai trên cả nước phần nào cho thấy cam kết của Hiệp hội nhằm giới thiệu và khuyến khích phát triển các chuẩn thực hành nông nghiệp tiên tiến như: Phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và các chi Cục BVTV tại 4 tỉnh (Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái) triển hai chương trình tập huấn về SSP (Spray Service Provider –  Dịch vụ Phun thuốc BVTV) – chương trình này đã tiếp cận và đào tạo cho khoảng 14,500 nông dân trồng chè; Phối hợp với Cục BVTV tổ chức chương trình tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả cho nông dân trồng xoài tại Sơn La và nông dân trồng rau tại Hà Nội; Phối hợp với Hiệp Hội Chè Việt Nam – VITAS, Tổ chức Sáng Kiến Thương mại Bền vững Việt Nam– IDH và nhiều đối tác khác tiến hành các chương trình đào tạo về việc sử dụng thuốc trừ sâu an toàn và hiệu quả cho nông dân trồng chè tại Phú Thọ và 3 công ty sản xuất chè lớn nhất tại tỉnh này; Phối hợp với SOCODEVI (một chương trình hoạt động phi lợi nhuận về chia sẻ kiến thức của Canada) triển khai các khoá tập huấn về SSP, trọng tâm là đối với các hợp tác xã nòng cốt tại tỉnh Tiền Giang.

Tiếp tục tổ chức “Tuần lễ hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV An toàn Hiệu quả” - một sáng kiến đã được triển khai trong nhiều năm nay. Đây là một chương trình phối hợp thực hiện giữa CropLife Việt Nam với cục BVTV và chi cục BVTV tại 7 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long với sự tham gia của Đại học Cần Thơ, hợp tác xã nông dân tại các địa phương và nhiều đối tác khác. Thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, chuỗi các hội thảo đào tạo về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, hoạt động tập huấn mô hình “Quản lý Dịch hại Tổng hợp” (IPM) và hướng dẫn thực hành tiêu huỷ bao bì sản phẩm thuốc BVTV an toàn, chương trình đã tiếp cận được hàng ngàn nông hộ nhỏ tại Việt Nam. 

Một chương trình thành công khác có thể kể đến là “Sáng kiến Lúa gạo Châu Á Cải tiến hơn” - Better Rice Initiative Asia (BRIA) được triển khai trong giai đoạn 2015 – 2017 - đã đào tạo cho nông dân và đại lý tại 3 tỉnh (Hậu Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang) về việc sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV hoá học và sinh học có trách nhiệm cũng như phương thức IPM để giải quyết nạn bùng phát rầy trên lúa. Đồng chủ trì dự án này bao gồm Cục BVTV, CropLife, Trung tâm BVTV khu vực phía Nam và tổ chức GIZ... cùng sự tham gia nhiều đối tác khác. Sau khi triển khai, dự án này đã tiếp cận và đào tạo được khoảng 17,000 nông dân và 1,000 đại lý. Thêm vào đó, thông qua thực hành mô hình IPM, dự án này cũng giúp kiểm soát và hạn chế đáng kể sự bùng phát dịch rầy trên lúa đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân lên khoảng 14% - 18%.

Về hoạt chất glyphosate

Tính an toàn và hiệu quả của glyphosate trong việc kiểm soát cỏ dại đã được chứng minh qua 40 năm sử dụng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, glyphosate là hoạt chất thuốc trừ cỏ không chọn lọc được sử dụng phổ biến nhất Việt Nam, là công cụ quan trọng trong việc kiểm soát cỏ dại trong canh tác nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất chè, cà phê, cao su – các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm. 

Tính đến nay, không có bất kỳ cơ quan pháp chế nào kết luận glyphosate là tác nhân gây ung thư hoặc gây ra các độc tính lâu dài tới con người và môi trường nếu sử dụng đúng theo hướng dẫn.

Hiện có hơn 160 quốc gia trên toàn cầu cấp phép cho sử dụng glyphosate. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào chính thức cấm sử dụng glyphosate sử dụng trong nông nghiệp.

Vào cuối năm 2015, SriLanka là nước duy nhất ban hành lệnh cấm sử dụng glyphosate dựa theo phân loại của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC). Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2018 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng hoạt chất glyphosate trên cây chè và cao su do “những tổn thất kinh tế nặng nề do cấm sử dụng glyphosate và do không có cơ sở khoa học chứng minh hoạt chất glyphosate là nguyên nhân gây ra bệnh suy thận mãn tính”. Bộ trưởng cũng cho biết việc cấm sử dụng hoạt chất glyphosate đã dẫn tới thiệt hại kinh tế mỗi năm đối với ngành chè nước này là khoảng 33,2 triệu Rs (đơn vị tiền tệ của Sri Lanka), và giá trị xuất khẩu của ngành này cũng giảm khoảng 26,7 tỷ Rs mỗi năm (tương đương gần 3.800 tỷ đồng) 

Tại Việt Nam, việc cấm glyphosate sẽ làm gia tăng chi phí kiểm soát cỏ dại trong canh tác cây lương thực, cây công nghiệp và cây ăn quả trọng điểm của Việt Nam như lúa, ngô, cà phê, cao su, chè, mía và các loại cây ăn quả. Sử dụng phương pháp làm cỏ truyền thống sẽ đưa người nông dân Việt Nam quay trở lại phương thức canh tác lạc hậu từ hàng chục năm trước khi mà người nông dân phải phơi lưng hàng ngày trên đồng ruộng để làm cỏ mà vẫn không thể đảm bảo được năng suất mùa màng cũng như có thể có những rủi ro về sức khỏe. 

Ngoài ra, việc cấm sử dụng glyphosate có thể sẽ buộc nông dân phải sử dụng những thuốc trừ cỏ khác kém chất lượng, ít hiệu quả hơn, thậm chí là sử dụng các thuốc không được cấp phép sử dụng. Năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam vì thế sẽ bị yếu thế đi so với các nước sản xuất nông nghiệp khác và làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam

 

Tags:
3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.71342 sec| 811.938 kb