Thứ 2, 25/11/2024, 15:14 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Không dễ để làm nông nghiệp hữu cơ

Không dễ để làm nông nghiệp hữu cơ
(Tieudung.vn) - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi một quy trình sản xuất khép kín, nhằm duy trì hệ sinh thái đất và bảo vệ sức khỏe con người.

Giá trị NNHH còn quá nhỏ

Quá trình vận hành hệ thống sản xuất NNHC phải bảo đảm tính hợp lý, nhằm khai thác tốt nhất các nguồn tài nguyên, như: Đất, nước, năng lượng…nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu quả về kinh tế trong khi vẫn đảm bảo sự đa dạng về sinh học, làm phong phú quần thể côn trùng, các hệ vi sinh vật trong đất, hoàn trả các phụ phẩm nông nghiệp vào đất, làm tăng độ màu mỡ của đất về lâu dài, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại một cách tự nhiên, phù hợp với điều kiện địa phương . 
NNHC là không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong trồng trọt; không sử dụng chất kháng sinh, chất tăng trưởng trong chăn nuôi, thủy sản; không sử dụng các cây, con biến đổi gen là những quy định nghiêm ngặt hàng đầu trong các hệ thống nông nghiệp hữu cơ.

Theo GS - TS Phạm Văn Biên - Nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp miền Nam: “Việt Nam là nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích đất đai ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn đang trong tình trạng nguyên sơ tự nhiên thì cơ hội phát triển NNHC theo hướng hiện đại là rất lớn”.

“Hiện nay, trước xu thế hội nhập sâu rộng cùng khu vực và thế giới, thì việc nâng cao chất lượng và độ an toàn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu là vấn đề sống còn để giữ và phát triển . Việc một số nông sản hữu cơ của Việt Nam đã tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu là minh chứng cho chiều hướng này, nhưng giá trị của NNHC còn quá nhỏ”, GS Phạm Văn Biên, cho biết thêm.

“Ngày 29/12/2006, Bộ NN& PTNT đã ban hành Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 602-2006 Tiêu chuẩn về sản xuất NNHC và chế biến. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng bước đầu làm chỗ dựa cho việc tiếp tục phát triển NNHC ở Việt Nam”, GS Phạm Văn Biên, nhấn mạnh.

Thực tế sản xuất NNHC theo khái niệm của IFOAM còn rất mới mẻ ở nước ta, với quy mô nhỏ lẻ, còn mang tính khởi đầu, thăm dò, thử nghiệm. Năm 2010, Việt Nam có 19.272 ha sản xuất NNHC được chứng nhận (tương đương 0,19% tổng diện tích canh tác) cùng với 11.650 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ/sinh thái và 2.565 ha rừng nguyên sinh để khai thác các sản phẩm hữu cơ tự  nhiên. Năm 2012, diện tích NNHC tăng lên 23.400 ha. 

Theo của Hiệp hội NNHC Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam ước đạt 12 - 14 triệu USD với các sản phẩm chính, như: Chè, tôm, gạo, hồi, quế, tinh dầu, tuy nhiên số lượng còn rất khiêm tốn.

Thách thức khi thực hiện nông nghiệp hữu cơ

Rõ ràng, triển vọng của việc phát triển NNHC ở nước ta là rất lớn, nhưng trước mắt còn nhiều khó khăn, trở ngại cần sớm được giải quyết.
Ở góc độ của nhà khoa hoc, GS Phạm Văn Biên, cho biết: “Hiện nay, mức sống của người dân nói chung chưa cao, nên nhận thức của đa số nông dân, người và của cả về NNHC còn hạn chế. Sau một thời gian dài chịu sức ép phải đạt sản lượng nông nghiệp tối đa trong điều kiện đất chật, người đông, đã dẫn tới chúng ta quá quen với với nền sản xuất thâm canh truyền thống hướng tới năng suất, sản lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế thông qua việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan”.

Mô tả ảnh
Các chế phẩm dùng trong NNHC của Công ty XNK công nghệ .

“Việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hay phòng trừ dịch hại bằng thủ công trong NNHC đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, hiệu quả chậm, khó thực hiện đồng loạt khi cần thiết và cũng khó đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu cho hàng ngàn, hàng triệu ha. Hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ, một số sản phẩm đã có giấy chứng nhận đều do các tổ chức nước ngoài cấp, như: IMO, JAS, ICEA…”, GS Phạm Văn Biên, cho biết thêm.

Nhu cầu tiêu thụ các nông sản sạch, an toàn hiện nay là rất lớn, việc phát triển NNHC sẽ giúp cho nông nghiệp phát triển bền vững, cung cấp nông sản chất lượng cao, an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích cho toàn xã hội.

Dưới góc độ lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên sản xuất các chế phẩm dùng cho NNHC, bà Phùng Thị Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty XNK công nghệ Cát Tường, cho biết: “Các sản phẩm hữu cơ trong nhiều trường hợp có hình thức mẫu mã không đẹp bằng các sản phẩm thâm canh truyền thống và năng suất cũng không cao. Mặc dù giá thành của nông sản hữu cơ trong nhiều trường hợp cao hơn nông sản thường nhưng giá bán chỉ tương đương do không thể phân biệt hai loại sản phẩm khác nhau ở điểm gì”.

“Ở giai đoạn khởi đầu như hiện nay, việc triển khai NNHC còn rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu, các nhà khoa học trong việc nghiên cứu và sản xuất NNHC”, bà Phùng Thị Hưng, cho biết thêm.
 

Tags:
4.7 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.29675 sec| 788.672 kb