Còn nhiều bất cập
Mới đây, thông tin Công ty CP Thương mại và sản xuất Viễn Phú rao bán, chuyển nhượng 320ha đất và dự án nông nghiệp hữu cơ tại Cà Mau khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Bởi đây là một trong những DN tiên phong trong lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn và đang sở hữu thương hiệu gạo hữu cơ Hoasuafood có chỗ đứng trên thị trường. Theo lý giải của DN, nguyên nhân phải rứt ruột chuyển nhượng dự án đầy tâm huyết này là do gặp khó khăn, bất cập từ nhiều phía, trong đó có cả cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Trồng rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện |
Nhìn từ thực tế của DN Viễn Phú, nhiều người gắn bó với ngành nông nghiệp ngậm ngùi cho rằng, câu chuyện đó sớm muộn cũng sẽ xảy ra, bởi những quy định cũng như trợ lực dẫn đường cho lĩnh vực này đang còn rất thiếu. Không nói đâu xa, ngay tại Hà Nội đến nay đã xuất hiện một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, việc nhân rộng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như mô hình trồng rau hữu cơ xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn được Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA) hỗ trợ tích cực, song sau 8 năm triển khai, đến nay mới phát triển lên con số trên 20ha. “Hiện nay, nhu cầu sử dụng rau hữu cơ lớn nhưng việc mở rộng diện tích rất khó khăn” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân Hoàng Thị Hậu chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo bà Trương Kim Hoa - chủ trang trại Hoa Viên (Thạch Thất) có quy mô khoảng 30ha trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, các đơn vị sản xuất hữu cơ gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhất là thiếu vốn đầu tư để áp dụng quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đặc biệt, hiện nay, trong nước chưa có quy định công nhận sản phẩm hữu cơ nên DN, người sản xuất chưa có cơ sở để chứng minh chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng (NTD).
10 năm chưa có hướng dẫn
Nói đến việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ, đây thực sự là một câu chuyện khiến cho nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất “đau đầu”. Không có chứng nhận, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ ngoài việc nỗ lực xây dựng thương hiệu trong NTD bằng uy tín và niềm tin về chất lượng, còn phải lo đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn. Để tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, nhiều hộ sản xuất, DN đã phải tìm đến tổ chức nước ngoài để chứng nhận chất lượng sản phẩm hữu cơ. Đơn cử như sản phẩm thịt lợn hữu cơ của Công ty CP Trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn) tìm đến một đơn vị của Nhật Bản cấp chứng nhận hữu cơ (organic). Hay nhiều DN đăng ký với tổ chức Control Union - một tập đoàn quốc tế để kiểm định quá trình canh tác và cấp chứng nhận hữu cơ. Tuy nhiên, chi phí được đánh giá là khá đắt đỏ khiến cho DN e ngại đầu tư.
Trong khi nhiều DN, người sản xuất mong mỏi có quy định cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ thì lộ trình cho ra đời quy định này còn khá ì ạch. Từ năm 2006, Bộ NN&PTNT đã ban hành hành Tiêu chuẩn ngành số 10TCN 602-2006 “Hữu cơ – tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến”. Tuy nhiên, 10 năm qua, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ông Hà Minh Đức – Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch CleverFood cho biết, trong khi chờ Việt Nam có chứng nhận hữu cơ của riêng mình thì phía DN phân phối, tiêu thụ thực phẩm tạm thời chấp nhận các trang trại, HTX, hộ sản xuất hữu cơ theo Tiêu chuẩn 10TCN 602-2006. “Đây là giải pháp tạm thời để hỗ trợ đầu ra cho sản xuất hữu cơ và giúp NTD bớt hoang mang” – ông Đức cho hay. Được biết, CleverFood đã bắt tay với một đơn vị để sản xuất rau hữu cơ tại huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và đưa sản phẩm tới tay NTD Hà Nội từ giữa tháng 6/2016.
Sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên đảm bảo ATTP và tính bền vững đối với môi trường. Đây cũng là xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để nông nghiệp hữu cơ phát triển được, Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất và kinh doanh.