Con số này được các chuyên gia bán lẻ nhận định khá cao trong mặt bằng bán lẻ chung của các nước trong khu vực. Trong đó, doanh số bán lẻ mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng đến 13%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,4%; may mặc tăng 10,6%... so với năm 2015.
Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM công bố trước đây cũng cho thấy lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt sản xuất từng đạt 80 - 90% ở các kênh bán lẻ. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, hàng hóa “có yếu tố nước ngoài” đã soán ngôi hàng Việt, cho dù hàng Việt chất lượng cao, trên các quầy kệ của các siêu thị ngoại. Đặc biệt, sau hai thương vụ đình đám trong ngành bán lẻ giữa các tỉ phú người Thái mua hai chuỗi siêu thị ngoại tại Việt Nam: Metro Cash & Carry và Big C, hàng Thái đã có dấu hiệu xâm nhập mạnh vào các kênh bán lẻ hiện đại này.
Hàng Việt cần tận dụng lợi thế về khoảng cách địa lý, tươi sống... hơn nữa để không bị mất thị phần. |
Thực tế, theo số liệu từ Bộ Công thương, các mô hình bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng từ 25 - 30% thị phần bán lẻ Việt Nam, còn 70-75% thị phần vẫn thuộc về các mô hình bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp hóa. Đây là những kênh phân phối lớn cho hàng nội địa. Tuy nhiên, trước làn sóng nhà bán lẻ ngoại ồ ạt vào Việt Nam, chuyên gia Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến cáo nếu không tiếp tục cải thiện chất lượng, không tận dụng các lợi thế về vận chuyển, hàng tươi sống, chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm… hàng Việt rất dễ bị hàng nhập chiếm mất thị phần tại các kênh phân phối truyền thống này.
Theo kế hoạch phát triển các kênh bán lẻ hiện đại, đến năm 2020, sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 300 trung tâm thương mại và hàng ngàn cửa hàng tiện ích…, chiếm 45% tổng kênh phân phối bán lẻ trên cả nước.