Chia sẻ về những ngày đầu tiên triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ), bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đầu năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở ra kỳ vọng nền kinh tế sẽ hội nhập sâu vào thế giới, hàng Việt có cơ hội vươn ra "biển lớn". Tuy nhiên, niềm vui lại đi cùng với sự lo lắng khi hàng ngoại tràn vào sẽ lấn át hàng Việt
|
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tại Hội chợ thương mại quốc tế 2017 ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Sau 8 năm triển khai, CVĐ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 90% hàng hóa trong các siêu thị là hàng Việt Nam với nhiều thương hiệu như Vinamilk, Vinacafe, TH True Milk, Thiên Long, Việt Tiến, Hữu Nghị… Đặc biệt, nhiều năm nay, CVĐ đã đưa hàng hóa Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa giúp người dân tiếp cận hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, có chất lượng với giá bán phù hợp. Theo kết quả điều tra nghiên cứu dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo T.Ư), 92% NTD được hỏi cho rằng rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% NTD khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt và 54% NTD khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng hàng Việt khi mua sắm.
Theo chia sẻ của nhiều NTD, chất lượng hàng hóa do các DN trong nước sản xuất đã được nâng lên rất nhiều kể từ khi có CVĐ. Không chỉ làm thay đổi thói quen mua sắm của NTD trong nước, CVĐ còn tạo động lực lớn cho các DN trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Nguyễn Tiến Hưng cho biết, 70 - 80% lượng trái cây an toàn của công ty có được là nhờ các chương trình kết nối cung cầu của TP Hà Nội. Việc duy trì các chương trình kết nối cung - cầu là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Từ kết quả thực tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, CVĐ góp phần nâng cao uy tín của DN Việt, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh. Để giúp NTD nhận diện tốt hơn đối với hàng Việt, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của NTD. Cùng với đó xây dựng những tiêu chí phù hợp để DN nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, Bộ cũng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng tăng cường hơn nữa về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP...
"Đứt lại buộc, lại kết, lại nối, cho đến khi hình thành bằng được những chuỗi cung ứng hàng hóa thì thôi. Từ sức lan tỏa của CVĐ, địa phương học nhau, DN áp dụng cách làm của nhau và hiện nay, hàng hóa Việt không chỉ vào được các siêu thị, chiếm tỷ lệ cao mà còn vào được chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa sâu trong khu dân cư.
Bà Vũ Kim Hạnh Chủ tịch Hội DN hàng Việt
|