Thứ 6, 22/11/2024, 10:32 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

'Đầu năm mua muối cuối năm mua vôi'

'Đầu năm mua muối cuối năm mua vôi'
(Tieudung.vn) - Những ngày cuối năm, trong sự tất bật, hối hả của công việc, đâu đó, tiếng rao văng vẳng “ai mua vôi đê” lại khiến cho người xưa cũ nhớ quê nhà da diết.

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một tập tục xa xưa của người Việt. Không phải thời xưa kinh doanh hai mặt hàng vôi và muối sẽ giúp cho người ta nhiều lãi, nhiều lời, mà theo dân gian, đầu năm mua muối để khởi đầu cho sự may mắn.

Theo đó, muối là thứ mặn, chống xú uế sẽ đuổi đi những tà khí kém may và mang đến cho ngôi nhà của bạn nhiều hạnh phúc, bình an. Còn dịp cuối năm, thường là khi tích góp được một khoản tiền nhất định, sau một năm làm việc vất vả sẽ dùng để mua vôi và "ra Giêng" xây nhà.

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, mua vôi vào cuối năm mang ý nghĩa quét lại nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới. Ở nông thôn, nhiều gia định có quan niệm rằng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ.

Mô tả ảnh
 "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" là một truyền thống xa xưa của người Việt.

Tại phố Giáp Bát, khoảng hai năm nay, dịp cuối năm thường có một vài người đi rao bán vôi. Vôi được để trong một chiếc túi nhỏ bé, xinh xắn, với giá 20.000 đồng/túi.

“Tôi quê gốc ở Hà Nam, ngày bé, người ta thường chở vôi đi bán trên những chiếc xe ngựa to. Một tạ thóc có thể đổi lấy được 1 xe vôi như thế. Để xây được một ngôi nhà thì hết khoảng 2 xe vôi. Vôi thường được tôi với nước trước Tết, để khi ra Giêng mọi người dùng vôi xây nhà.

Hàng chiều, đám trẻ con hay chạy theo xe ăn chộm một cục vôi nhỏ cho bà ăn trầu. Nhiều đứa, còn lấy về để nghịch ngợm, cho vôi xuống nước để xem phản ứng hóa học của vôi và thích thú nhìn cục vôi bị “nước đốt cháy”. Mấy chục năm, mới được nghe tiếng rao vôi, thật bùi ngùi và xúc động”, bà Bình (Giáp Bát, Hà Nội) nói.

Mô tả ảnh
 Giống như muối, vôi được cho vào một chiếc túi khá bắt mắt và bán với giá 20.000 đồng/túi.

Theo chị Nguyễn Thanh Vân (quê ở Ứng Hòa, Hà Nội) một người đi bán vôi trên phố Giáp Bát, thì ý tưởng bán vôi này được nảy ra từ việc thấy mọi người bán muối dịp đầu năm.

“Nhà mình có truyền thống làm vôi bán từ rất nhiều đời nay rồi. Nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, dường như, vôi chỉ làm và bán để cho có việc làm lúc nhàn rỗi. Vì trong xây dựng, người ta không dùng vôi nữa. Vậy nên, vôi chỉ còn đóng vai trò là một trong những chất khử trùng.

Tuy nhiên, Tết năm trước, mình đi chùa, thấy mọi người bán muối may mắn. Muối được để trong một chiếc túi khá đẹp và bán với giá 10 – 50.000 đồng. Mình nảy ra ý định, thử bán vôi xem, biết đâu nhiều người hoài niệm sẽ mua vôi về để nhớ kí ức một thời. Vậy nên, mình cũng đi đầu tư một chiếc túi may mắn và cho vào một cục vôi sống, mang lên phố rao bán. Hiện tại, mỗi ngày cũng bán được khoảng 300 túi vôi. Tuy nhiên, chỉ là bán chơi, kiếm thêm được đồng nào thì kiếm chứ không phải là nguồn thu nhập chính. Bởi vôi chỉ bán khoảng 1 tuần cận tết Dương lịch và chủ yếu là những người già mua" – chị Vân nói.

Theo chị Vân, hiện nay, lượng người sản xuất vôi bán đếm trên đầu ngón tay. Bởi vì, nhu cầu không cao và đây cũng là một nghề vất vả. Phần lớn, vôi nhà chị sản xuất chủ yếu bán cho các cơ sở làm chất khử trùng trong nông nghiệp. Nghề làm vôi giờ đang dần mai một và bị quên lãng.

Tags:
4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.30541 sec| 784.688 kb