Ngày 18/1, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục ngày thứ 10 xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB), Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Sacombank) cùng 44 bị cáo khác phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Truy vấn 600 tỷ đồng bị cáo Danh khai trả cho bà Phấn
Tại phiên tòa, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn, nguyên lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín) đặt một số câu hỏi liên quan đến số tiền 600 tỷ đồng mà các bị cáo khai trả cho bà Phấn. Ông Danh có giao dịch dân sự với bà Phấn không? 600 tỷ đồng có phải nằm trong dòng tiền dùng để tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB)? Luật sư Thơ cũng cho rằng từ khi khởi tố đến nay, bà Phấn chưa được các cơ quan tố tụng lấy lời khai với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đồng thời là nhân chứng. Tuy nhiên cáo trạng của Viện KSND Tối cao lại quy kết ông Danh chuyển trả tiền cho bà Phấn để bà này sử dụng.
![]() |
Áp giải bị cáo Phạm Công Danh dời phiên tòa - Ảnh: Trúc Mai. |
Trước hàng loạt câu hỏi nêu trên, bị cáo Danh cho rằng sức khỏe kém, không nhớ và chuyển câu trả lời cho bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) và bị cáo Mai cho rằng sau khi vay trên 1.666 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), đã trả cho bà Phấn (nhóm Phú Mỹ) 600 tỷ đồng, số tiền này nhằm tái cơ cấu VNCB. Còn ông Đặng Văn Thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng theo đề án tái cơ cấu, người tiếp nhận ngân hàng phải chịu trách nhiệm về quyền, nghĩa vụ của ngân hàng cũ.
CB Bank yêu cầu các bị cáo và 140 cá nhân bồi thường
Tại phiên tòa, khi được HĐXX hỏi về quan điểm, đại diện CB Bank cho rằng CB Bank là bị hại trong vụ án. Số tiền bị thiệt hại do Phạm Công Danh và các đồng phạm gây ra là 6.126 tỷ đồng, và đó là hậu quả do 46 bị cáo cùng các tổ chức, cá nhân tại các ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng CPTM Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank), TP Bank cùng hàng loạt công ty vay vốn tại các ngân hàng gây ra. Đại diện CB Bank đề nghị 46 bị cáo cùng hơn 140 cá nhân có tên trong cáo trạng nhưng không bị xử lý hình sự (trừ 3 ngân hàng), tùy mức độ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại và phải trả cho CB Bank trên 6.126 tỷ đồng.
Trước yêu cầu trên, các luật sư bảo vệ cho Sacombank đã đặt hàng loạt câu hỏi như: CB Bank bị thiệt hại bao nhiêu? Tại sao sau khi vụ án được khởi tố, CB Bank không có bất cứ yêu cầu nào gửi cơ quan điều tra (CQĐT) hay Viện KSND mà phải đến ngày 4/1/2018 mới gửi yêu cầu? Căn cứ vào đâu CB Bank yêu cầu mở rộng bồi thường?
![]() |
Áp giải các bị cáo dời phiên tòa - Ảnh: Trúc Mai. |
Đại diện CB Bank cho rằng tổng số tiền VNCB bị thiệt hại trên 6.126 tỷ đồng, số liệu này là kết quả điều tra, không phải của CB Bank. “Lý do trong đơn yêu cầu bồi thường không liệt kê từng đơn vị, cá nhân vì đấy là số liệu của CQĐT và trong cáo trạng. Về thời gian gửi đơn yêu cầu bồi thường cũng như căn cứ yêu cầu, CB Bank căn cứ vào hồ sơ vụ án và thực hiện quyền của mình khi cần thiết. Với tư cách gì thì chúng tôi dựa theo từng thời điểm. Chúng tôi sẽ dùng các chứng cứ của CQĐT chứ không dùng chứng cứ đơn lẻ như của luật sư”, đại diện CB Bank trả lời.
Sacombank cho vay theo quy định pháp luật
Luật sư bảo vệ cho Sacombank cũng hỏi bị cáo Trầm Bê có chỉ đạo Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) phải cho Phạm Công Danh vay bằng mọi giá? Có bao giờ ông Danh cho biết mục đích vay tiền của Sacombank là để trả nợ BIDV? Bị cáo Trầm Bê, trả lời: “Sau khi giới thiệu ông Danh với ông Khang, tôi yêu cầu ông Khang phải xem xét, thẩm định kỹ hồ sơ vay tiền của ông Danh. Khi ông Danh gặp tôi để hỏi vay tiền, ông này không nói vay để trả cho BIDV”.
“Ông Trầm Bê không bắt buộc bị cáo phải cho Danh vay tiền. Bị cáo cũng không chỉ đạo 2 chi nhánh của Sacombank phải cho Danh vay bằng mọi giá mà phải làm đúng pháp luật, công việc tại Sacombank đã được phân công theo thẩm quyền”, bị cáo Khang trả lời.
Còn đại diện Sacombank, cho rằng việc cho vay được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, cũng như quy định của Sacombank. “Chúng tôi thực hiện theo quy định 1627 và một số quy định khác. Sacombank thực hiện theo quy chế của mình và tùy theo thời điểm khi NHNN yêu cầu đăng ký quy chế cho vay thì Sacombank đăng ký”, đại diện Sacombank nói.
Sẽ kiện luật sư nếu công bố lời khai trước tòa thiếu, sai bản chất Trả lời HĐXX, ông Nguyễn Hữu Thanh (đại diện TP Bank) cho rằng: “Về tài sản, việc ông Phạm Công Danh làm trái, làm mất tài sản thì ông Danh phải chịu. Theo trình bày của chúng tôi cũng như HĐXX đã làm rõ trong suốt thời gian tòa xử, toàn bộ nguồn tiền vay từ TP Bank đã được ông Danh sử dụng để tăng vốn, trả cho bà Hứa Thị Phấn, nhóm Trần Ngọc Bích, trả lãi ngoài và các khoản chi khác. Theo kết luận giám định của NHNN, TP Bank không bị thiệt hại, mà thiệt hại thuộc về CB Bank. Nếu HĐXX phán quyết CB Bank bị thiệt hại thì đề nghị HĐXX thu hồi từ các nguồn được sử dụng nêu trên. Còn về văn bản, tại phiên toà một số luật sư có công bố lời khai của lãnh đạo TP Bank. Sau khi đối chiếu, chúng tôi thấy chưa đầy đủ. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu nếu công bố lời khai trước tòa thì luật sư phải đọc nguyên văn toàn văn bản. Nếu luật sư đọc thiếu, làm hiểu sai bản chất lời khai thì chúng tôi sẽ làm đơn kiện luật sư”. |