Tổng GĐ không biết “mặt mũi” tờ séc và trái phiếu!
Mở đầu phiên tòa, luật sư Trần Giáng Hương, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến Dũng (SN 1974, nguyên Kiểm toán viên định giá Công ty TNHH D-ĐT Thịnh Phát) hỏi quan điểm của bị cáo thế nào khi cáo trạng truy tố liên đới trách nhiệm với bị cáo Đinh Việt Cường (SN 1968, nguyên Giám đốc khối KHDN TP Bank) giúp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB trên 162,54 tỷ đồng (gồm vốn, lãi) khi vay tiền củ TP Bank để đầu tư trái phiếu? Bị cáo Dũng trả lời mình chỉ là nhân viên, không phải người quyết định đầu tư và cũng không thỏa thuận với ai. Bị cáo được thông báo việc vay 153 tỷ đồng là có thực nên ký. Về trách nhiệm cung cấp các tài liệu liên quan vay vốn do bị cáo ký nhưng đã được ủy quyền.
“Sau khi được giải ngân 153 tỷ đồng, ông Cường là người ký chi, còn bị cáo không được quyền kiểm soát hay ngăn cản. Bị cáo không quen ông Danh, cũng không được lợi nên khẳng định mình không giúp sức”, bị cáo Dũng nói.
Bị cáo Phạm Công Danh dời phiên tòa Ảnh: Trúc Mai. |
Còn bị cáo Trần Văn Bình (SN 1966, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Dung) trả lời câu hỏi của luật sư Hồ Hoài Nhân về quá trình làm tổng Giám đốc: “Bị cáo làm tài xế tại Tập đoàn Thiên Thanh từ năm 2009, chỉ mới học hết lớp 6. Khi được Phạm Công Danh cho làm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Dung, chưa bao giờ bị cáo thấy giấy phép hoạt động của công ty và cũng không biết hình thù của trái phiếu ra sao. Việc ký trên các hồ sơ vay, bán trái phiếu do người của Tập đoàn Thiên Thanh chỉ đâu thì bị cáo ký đó. Đối với chữ ký trên tờ séc, bị cáo không biết vì chưa bao giờ thấy séc là gì. Cáo trạng nêu bị cáo liên đới 600 tỷ đồng, bị cáo không tư lợi”.
Luật sư công bố lời khai người vắng mặt
Tại tòa, các luật sư bảo vệ cho các bị cáo Cường, Đặng Thị Bích Thủy (SN 1971, nguyên Phó Giám đốc khối KHDN, giám đốc Trung tâm kinh doanh Hội sở TP Bank), yêu cầu được thẩm vấn lãnh đạo TP Bank, nhưng những người này trước đó đều có đơn xin vắng mặt. Vì vậy HĐXX cho phép luật sư Nguyễn Chí Đại (bảo vệ bị cáo Cường) công bố lời khai của các lãnh đạo TP Bank tại phiên tòa. Theo lời khai, đối với khoản vay trên 100 tỷ đồng phải thông qua Hội đồng tín dụng (HĐTD) và Ủy ban tín dụng (UBTD) của TP Bank duyệt. Việc TP Bank thu nợ của 11 công ty vay tiền có tài sản đảm bảo (TSĐB) của VNCB là do sau khi giải ngân cho 11 công ty vay vốn, phía TP Bank có yêu cầu cung cấp hóa đơn chứng từ mua bán trái phiếu cùng một số chứng từ khác, nhưng không có nên phải thu nợ - lãi trước hạn. Việc TP Bank cho 11 công ty vay trên 1.666 tỷ đồng vì VNCB có gửi TSĐB để bảo lãnh.
Tiếp theo, luật sư Đại hỏi bị cáo Cường trong cáo trạng nêu bị cáo là thành viên HĐTD và UBTD thì bị cáo này khẳng định không phải nên không có thẩm quyền phê duyệt khoản vay từ 100 tỷ đồng trở lên. “Sau khi HĐTD và UBTD phê duyệt, bị cáo mới ký khi đã được ủy quyền của lãnh đạo TP Bank”, bị cáo Cường nói.
Tương tự, bị cáo Thủy khi được 2 luật sư bảo vệ cho mình hỏi về thẩm quyền duyệt vay trên 100 tỷ đồng, bị cáo này cũng khai phải báo cáo, đề xuất lên cấp trên. Sau khi đã được HĐTD duyệt, thì mới được cấp tín dụng. Quá trình bị cáo xét 8 hồ sơ nhận thấy thiếu 1 số hồ sơ pháp lý nên có báo cáo cấp trên.
Tại tòa, đại diện của TP Bank cũng trả lời một số câu hỏi của luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bảo vệ bị cáo Thủy) về nguồn vốn cho 11 công ty vay là từ nguồn tiền huy động chứ không phải từ TSĐB của VNCB. Đồng thời cho rằng một số câu hỏi của luật sư đã có trong hồ sơ vụ án nên không trả lời.
Có cảnh báo nhưng vẫn duyệt!
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, khi đơn vị kinh doanh chuyển tờ trình đề xuất cấp tín dụng vào hồ sơ vay vốn của 11 công ty, thì Phòng Tái thẩm định 1 (TTĐ 1) đã lập báo cáo thẩm định nội bộ, nêu: “Phòng TTĐ 1 chưa có cơ sở để đánh giá về tình hình tài chính hiện tại của 11 công ty nêu trên, đề nghị vay vốn vượt nhiều lần vốn điều lệ, chưa có đủ căn cứ để đánh giá kế hoạch kinh doanh này. Phòng TTĐ 1 chưa có đầy đủ thông tin, hồ sơ pháp lý về đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung”. Mặc dù không xem xét đến tính pháp lý của trái phiếu mà 11 công ty vay vốn đầu tư mua có được phát hành đúng quy định của pháp luật hay không, nhưng Phòng TTĐ 1 của TP Bank vẫn đồng ý cho các doanh nghiệp vay, nợ hồ sơ phát hành trái phiếu, đề xuất cấp tín dụng cho 11 công ty và trình HĐTD TP Bank xem xét, quyết định. Trên cơ sở tờ trình đề xuất cấp tín dụng của đơn vị kinh doanh và Phòng TTĐ 1, HĐTD và UBTD đều đồng ý phê duyệt cấp tín dụng cho 11 công ty với số tiền trên 1.666 tỷ đồng. |