HĐXX yêu cầu CB phải nộp báo cáo chi tiết 4.500 tỷ
Tại phiên tòa, các luật sư xoáy vào số tiền 4.700 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) để tăng vốn điều lệ, chăm sóc khách hàng, trả nợ. Sau khi xảy ra vụ án, VNCB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại rồi đổi tên VNCB thành Công ty TNHH CB (CB), thì số tiền 4.500 tỷ đồng này đang ở đâu?
Áp giải bị cáo Phạm Công Danh tới tòa. |
Đại diện CB cho rằng không vay BIDV. Toàn bộ số tiền hòa vào dòng tiền chung và đã sử dụng hết, còn thời điểm nào không thể xác định. Trong báo cáo, phía CB đã trả lời rõ về việc hạch toán thì đến nay vẫn chưa, và không có dữ liệu nào thể hiện đây là khoản nợ phải trả. Thời điểm NHNN mua VNCB giá 0 đồng, NHNN xác định vốn điều lệ của VNCB đã không còn. Trước câu trả lời này, luật sư cho rằng NHNN đã xác định vốn điều lệ của VNCB là 3.000 tỷ đồng. Vậy 4.500 tỷ đồng nằm ở đâu? Vì không được coi là vốn điều lệ và CB cũng không trả cho 22 cá nhân là những cổ đông thì đại diện CB cho biết đang xin ý kiến của NHNN.
Có mặt tại tòa, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Bộ Công an đã trả lời nhiều câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa bị cáo Danh) về số tiền 4.500 tỷ đồng. Vị đại diện này xác nhận 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ của VNCB và đã hòa vào dòng tiền chung, sử dụng nhiều mục đích khác nhau. Dòng tiền chung này sử dụng trong giai đoạn các bị cáo còn điều hành VNCB.
“Việc tăng vốn phải do cổ đông đóng góp, chứ không phải tiền đi vay, nhưng Danh và các đồng phạm không có tiền thật nên dùng tiền vay các ngân hàng để tăng vốn là trái quy định”, đại diện CQCSĐT, nói.
Còn các bị cáo cho rằng số tiền thiệt hại không phải là 6.126 tỷ đồng mà ít hơn nhiều, nếu cấn trừ 4.500 tỷ đồng đã dùng tăng vốn điều lệ của VNCB.
Để làm rõ số tiền nêu trên, chủ tọa đã yêu cầu CB phải nộp báo cáo chi tiết vào ngày mai (16/1) vì cáo trạng ghi rõ 4.500 tỷ đồng là vốn góp của cổ đông. CB cũng cần lưu ý số tiền này Phạm Công Danh sử dụng hết hay không, nếu chưa xài hết giờ ở đâu?
Làm rõ gói vay trên 1.666 tỷ đồng của TP Bank
Cũng trong buổi xét xử sáng nay, HĐXX đã gọi ông Nguyễn Hữu Thanh, cán bộ Pháp chế Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) về số tiền trên 1.740 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại sau khi bảo lãnh cho 11 công ty vay trên 1.666 tỷ đồng của TP Bank, quan điểm của TP Bank thế nào? Ông Thanh trả lời: “Các thành viên của Ủy ban tín dụng của TP Bank xin vắng mặt vì tất cả đều công tác. Sau khi xảy ra vụ án, TP Bank cũng hợp tác với Cơ quan điều tra (CQĐT) nên HĐXX có thể dùng các tài liệu này để xét hỏi tại tòa. Mong HĐXX giảm tối đa hình phạt cho các bị cáo thuộc TP Bank”.
Về gói vay của TP Bank, bị cáo Phan Thành Mai khai ký bảo lãnh cho 11 công ty dùng hồ sơ khống để vay trên 1.666 tỷ đồng, các công ty đó bị cáo Mai không lựa chọn. Lúc đó, bị cáo có mối quan hệ với bị cáo Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng Giám đốc Quỹ Lộc Việt), nên có trao đổi (chỉ qua ĐTDĐD - PV), để nói việc mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung rồi giao cho bị cáo Hoàng Đình Quyết. “Khi vay tiền, có nhờ bị cáo Hà liên hệ TP Bank. Từ Hà liên hệ bị cáo Đinh Việt Cường (nguyên Giám đốc khối KHDN của TP Bank). Các hồ sơ vay do bị cáo Quyết gửi lên. Việc vay tiền của TP Bank, bị cáo có trao đổi với Cường một lần qua ĐTDĐ. Còn mục đích chính của bị cáo Danh khi vay tiền là để tăng vốn điều lệ. Phần lớn số tiền vay từ TP Bank, sau đó dùng để trả bà Hứa Thị Phấn (vừa bị C46 Bộ Công an khởi tố - PV) 300 tỷ đồng, trả cho ông Trần Quý Thanh và con gái Trần Ngọc Bích (nhóm Công ty Tân Hiệp Phát) số tiền rất lớn và đều có chứng từ. Ngoài ra còn một số chuyển về Quỹ Lộc Việt”, bị cáo Mai, nói.
Khi được gọi hỏi, bị cáo Mai Hữu Khương, cũng khai số tiền hơn 1.666 tỷ đồng, sau khi được TP Bank giải ngân đã dùng gần 300 tỷ đồng trả cho cha con ông Trần Quý Thanh, các chứng từ là ủy nhiệm chi đều đã nộp cho CQĐT.