Ngay cổng vào của một ngôi nhà là phần mộ còn nguyên vẹn. |
Vừa qua, Báo Kinh tế & Đô thị VPĐD TP Hồ Chí Minh nhận được đơn thư phản ảnh của bạn đọc về tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nghĩa trang. Cụ thể, người dân sinh sống xung quanh khu đất nghĩa trang (toạ lạc tại tổ 25, khu phố 2B, đường Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình) bức xúc khi phải chứng kiến nhiều ngôi mộ bị bốc dỡ trái phép để phục vụ cho việc xây dựng nhà ở.
Chị T, một hộ dân có nhà ngay cạnh nghĩa trang cho biết: “Việc xây nhà xây cửa là chuyện của mỗi gia đình, chúng tôi không quan tâm cũng không có quyền can thiệp. Tuy nhiên, họ tự ý bốc mộ rồi xây nhà không phép, thậm chí trong quá trình xây dựng có chỗ bất chấp lấp luôn phần mộ còn hài cốt bên dưới. Điều này cần phải được lên án và ngăn chặn, ai lại người sống đi tranh nhà cướp đất với người đã khuất bao giờ”.
Cũng theo chị T, rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng đổ bừa bãi tràn lan trên những ngôi mộ đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cũng như đời sống tâm linh của người dân địa phương.
Phần mộ còn tên tuổi rõ ràng bị san lắp để xây dựng nhà ở. |
Theo tìm hiểu của PV, khu đất này trước đây thuộc quyền sở hữu của một hộ cá thể, sau đó hộ này đã di cư sang nước ngoài sinh sống. Trước năm 1975, khu đất trở thành nghĩa trang tự phát với diện tích khoảng 1.600m2. Sau giải phóng, nghĩa trang này được nhà nước quản lý, rất nhiều gia đình đã mai táng thân nhân của mình tại đây.
Điều đáng nói là khu đất nghĩa trang do nhà nước quản lý nhưng không hiểu vì lý do gì, hiện nay rất nhiều ngôi mộ tại đây bị bốc dỡ một cách công khai rầm rộ để phục vụ cho việc xây dựng nhà ở. Về nguyên tắc, theo đúng quy trình nếu muốn bốc mộ thì người bốc mộ phải xuất trình đầy đủ giấy tờ và tuân theo nhiều thủ tục như: “Nộp đơn xin bốc mộ cải tảng, giấy chứng tử của người chết, giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân với người chết, hộ khẩu và chứng minh của người đứng đơn. Phải chờ các trung tâm y tế của quận thẩm định điều kiện vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, sau đó mới được UBND phường cấp giấy phép bốc mộ”.
Giữa hai dãy nhà là hàng chục ngôi mộ bị cỏ xanh phủ kín. |
Tuy nhiên, chẳng cần phải tuân theo một quy trình nào, nhiều hộ dân tại đây “hồn nhiên” thuê người đến bốc mộ, sau khi bốc mộ xong là công đoạn san lấp đất, bán đất và xây dựng nhà ở, kéo theo nhiều hệ luỵ về vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh của người dân địa phương.
Cô N, một trong những người lớn tuổi nhất tại khu vực này cho biết: “Khi tôi còn nhỏ xíu thì khu nghĩa trang này đã có rồi, rất nhiều người tôi biết được chôn cất tại đây. Việc bốc mộ xây nhà đã xảy ra hàng chục năm nay, nhà lớn có, nhà bé có, thậm chí những căn nhà quay tôn siêu mỏng cũng được dựng lên, hôm nào trời mưa gió lớn thì rất nguy hiểm. Sự việc công khai là thế, sai trai là thế nhưng đáng nói là chính quyền địa phương lại không đã động gì đến khiến người dân chúng tôi vô cùng khó hiểu.”, cô T thắc mắc.
Rác thải và vật liệu xây dựng lấp kín một phần mộ. |
Ghi nhận thực tế của PV Báo Kinh tế & Đô thị trưa ngày 26/6, đúng như phản ánh của người dân, khu nghĩa trang (toạ lạc tại tổ 25, khu phố 2B, đường Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình) đang bị nhiều hộ dân chiếm dụng xây dựng nhà ở. Khoảng 40 căn nhà đang tồn tại trên khu đất này, có những ngôi mộ nằm chỏng chơ ngay lối đi vào nhà, thậm chí có ngôi mộ còn trở thành chỗ phơi quần áo. Tạo nên một cảnh quan vô cùng phản cảm về mặt tâm linh và phong tục tập quán của người Việt.
Rõ ràng về mặt pháp lý, đất nghĩa trang không đảm bảo các điều kiện để xây dựng nhà ở. Vậy căn cứ vào đâu mà người dân lại tự ý mua bán đất, xây dựng trái phép tại khu nghĩa trang (tổ 25, khu phố 2B, đường Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình)…tạo nên sự nhập nhằng giữa người sống và người chết. Liên quan đến vấn đề nói trên, Báo Kinh tế & Đô thị đã gửi câu hỏi về UBND quận Tân Bình và sẽ sớm thông tin đến bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.
Đón đọc: Cấp phép xây dựng trên đất nghĩa trang (bài 2): UBND quận Tân Bình cấp "nhà" của người chết cho người sống