Thu hồi đất bồi thường với giá rẻ mạt
Vừa qua, Văn phòng Đại diện báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được đơn kêu cứu của 10 hộ dân đang sinh sống tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trong đơn, bà Trịnh Thị Đượm, người đại diện cho các hộ dân cho biết, vào những năm 1989 – 1990, bà và nhiều gia đình khác đã đến mảnh đất này để khai hoang, lập ấp, canh tác nhằm giữ đất, giữ biển làm kinh tế mới với hai bàn tay trắng.
Người dân đã trên 30 năm cùng Bộ đội Biên phòng bám biển, giữ đất...
“Thời điểm đó, đường xá, trường trạm, điện đóm đều không có. Chúng tôi đã vật lộn với cuộc sống vất vả, con cái thất học, ốm đau bệnh hoạn không có trạm xá, bệnh viện hay thuốc men. Ngư dân đi biển, thì bị nước bạn bắt phạt tiền, thu giữ ghe, thu giữ tàu…Thiếu thốn đủ thứ, nhưng chúng tôi, cùng với bộ đội biên phòng vẫn vượt qua tất cả để giữ đất, giữ biển. Đến nay, đã là 32 năm, hơn nửa đời người gắn bó với mảnh đất này” - bà Đượm kể lại và nhấn mạnh, tuy nhiên sau nhiều năm, đến nay, khi bộ mặt kinh tế của Phú Quốc đang dần được cải thiện, cuộc sống đỡ vất vả hơn, thì bất ngờ chính quyền địa phương lại ra quyết định thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án với giá vô cùng rẻ mạt.
Cụ thể, đầu tháng 3/2018, người dân nơi đây đồng loạt nhận được thông báo của UBND TP Phú Quốc về việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo đó, diện tích đất thu hồi là 173,53ha, sẽ được giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Thành phố Đảo Phú Quốc triển khai dự án.
...nay bị chính quyền thu hồi đất...
“Trong thông báo thu hồi đất, họ thậm chí còn không cho chúng tôi cơ hội để ngồi lại với doanh nghiệp nhằm thỏa thuận giá đất đền bù. Thay vào đó, trong thông báo của mình, UBND TP Phú Quốc nói luôn, là trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào không chấp hành việc điều tra, khảo sát, đo đạc, xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Nhà nước triển khai kiểm đếm bắt buộc theo quy định của pháp luật. Họ không cho chúng tôi sự lựa chọn”, ông Trịnh Văn Điển, một hộ dân bức xúc.
Sau đó, liên tiếp từ năm 2019 – 2022, UBND TP Phú Quốc đã ra nhiều thông báo về việc chi trả/chi trả bổ sung tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân, giá đền bù mà chính quyền địa phương áp cho họ là vô cùng thấp.
Ngày 25/12/2019, UBND TP Phú Quốc đã ban hành Quyết định 6352/QĐ-UBND về việc thu hồi 6.436m2 đất của ông Trịnh Văn Biển với lý do “để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Mảnh đất này, sau đó được UBND TP Phú Quốc ra quyết định bồi thường với số tiền tổng cộng là 5.491.111.400 đồng, tương đương với khoảng 853.000 đồng/m2. Số tiền trên đã bao gồm bồi thường tiền đất đai, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, cây trồng, vật kiến trúc.
Cũng trong ngày 25/12/2019, ông Biển đã bị thu hồi thêm 1 miếng đất diện tích 2.525,4m2 và được bồi thường với giá 2.166.690.000 đồng.
Một trường hợp khác là ông Trịnh Văn Điển, bị thu hồi mảnh đất 4.790,8m2 và được đền bù số tiền 3.497.396.500 đồng…
“Ban đầu, họ nói thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng, chúng tôi chấp nhận. Vì hơn nửa đời gắn bó ở mảnh đất này, hơn ai hết, chúng tôi là những người muốn quê hương ngày một phát triển, đổi mới. Nhưng sau đó, chúng tôi lại nghe tin, chính quyền lấy đất của chúng tôi để giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Thành phố Đảo Phú Quốc làm dự án thương mại. Như vậy, thì sao gọi là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng” - ông Điển thắc mắc.
Theo ông Điển, nếu ở đây, chính quyền địa phương giao cho doanh nghiệp làm dự án thương mại, thì bản thân doanh nghiệp phải là đơn vị trực tiếp xuống tiếp xúc, thỏa thuận với người dân về giá đất đền bù, sao lại có chuyện chính quyền địa phương ra quyết định thu hồi đất, đo đạc, áp giá, lập bảng chiết tính... Để rồi người dân chỉ nhận được khoản tiền đền bù ít ỏi, trong khi phải mất đất sản xuất, cuộc sống xáo trộn.
...bồi thường với giá rẻ mạt...
“Vừa rồi, tôi có nghe mấy nhân viên sale bất động sản ở Phú Quốc đồn nhau về việc, dự án này chuẩn bị được công ty Đầu tư Địa ốc Thành phố Đảo Phú Quốc chào bán với giá hàng chục triệu đồng/m2. Vậy mà chính quyền, đền bù cho người dân chỉ với mức giá chưa tới 1 triệu đồng/m2. Chưa kể, giá đất thị trường tại khu vực này hiện cũng đã trên 3 triệu đồng/m2. Điều này cho thấy, mức bồi thường không thoả đáng, o ép và bắt người dân chúng tôi chịu thiệt. Vậy ở đây, liệu có điều gì khuất tất hay không?” - bà Đượm đặt ra câu hỏi.
Cũng theo bà Đượm, hầu hết người dân bị thu hồi đất đều sẵn sàng nhường đất cho dự án vì sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên yêu cầu việc bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư phải hợp lý. Đó là phải xem xét đến yếu tố giá cả thị trường, tình hình thực tiễn tại địa phương, những khó khăn của người dân.
“Chẳng lẽ, chính quyền địa phương không nhận thấy số tiền đến bù cho người dân chúng tôi là quá thấp so với thị trường. Trong khi đó, với vật giá trên thị trường hiện đang rất cao khiến người dân sẽ không thể ổn định cuộc sống, không có đất sản xuất, thất nghiệp, tương lai bất ổn...Hiểu được điều này, gia đình tôi đã không đồng ý nhận tiền bồi thường cũng như có ý kiến phản đối tại các buổi làm việc với các cơ quan ban ngành địa phương song đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết” – bà Đượm nói thêm.
...để giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án khu du lịch sinh thái và dân cư lên đến 173,53ha!
Có đúng pháp luật?
Liên quan đến vụ việc nói trên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty luật TNHH Trung Lê Và Cộng Sự cho biết, Điều 62 Luật Đất đai có quy định rõ các trường hợp thu hồi đất để “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng”. Trong đó, ngoài các trường hợp thu hồi để thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, và các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, thì có trường hợp thu hồi để thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh chấp thuận. Tương ứng với mỗi trường hợp sẽ quy định rõ từng loại dự án.
Đối chiếu với các trường hợp được liệt kê theo khoản 3 điều luật này, không có bất kỳ trường hợp nào quy định về việc thu hồi đất để thực hiện “dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư”.
Dù còn nhiều hộ dân chưa đồng ý giao đất, nhưng Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Thành phố Đảo Phú Quốc đã tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư và căn hộ thương mại của dự án
Ngoài ra, theo luật sư Trung, một số vấn đề cần phải lưu ý trong quá trình thu hồi đất (nếu thuộc trường hợp được luật đất đai cho phép) là: khi hoàn tất việc thu hồi thực địa thì mới tiến hành bàn giao cho đơn vị thực hiện dự án; đồng thời, việc lựa chọn đơn vị thực hiện dự án cũng phải đúng quy định pháp luật về đấu thầu.
Như vậy, ở đây, việc UBND TP Phú Quốc ban hành các quyết định thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng liệu có đúng với quy định của pháp luật hay không? Thêm vào đó, “dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang” liệu có nằm trong hạng mục thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng? Điều này, cần được sự trả lời thấu đáo từ phía chính quyền địa phương tỉnh Kiên Giang.
Để làm rõ các nội dung này, ngày 20/4, PV báo Kinh tế & Đô thị đã liên hệ Chính quyền xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, và sẽ sớm có những thông tin tiếp theo về vụ việc.