Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khoảng 3 năm thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, việc quản lý mặt hàng này đã có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, Nghị định 202/2013/NĐ-CP còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại kẽ hở, chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn dẫn đến sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng.
Để khắc phục những hạn chế trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.
Nghị định số 108/2017/NĐ-CP quy định quản lý nhà nước về phân bón, bao gồm: Công nhận; khảo nghiệm; sản xuất; buôn bán; xuất khẩu; nhập khẩu; quản lý chất lượng; ghi nhãn; quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, phân bón không được công nhận lưu hành khi:1- Có chứa các yếu tố gây hại vượt mức giới hạn tối đa theo quy định tại các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia hoặc theo quy định tại Phụ lục V Nghị định này trong thời gian chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia và các quy định khác có liên quan; 2- Có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường; 3- Trùng tên với phân bón khác đã được công nhận lưu hành.
Phân bón bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam khi: 1- Có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường; 2- Phát hiện sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng với phân bón đề nghị công nhận lưu hành; 3- Phân bón đã được công nhận lưu hành nhưng hết thời gian lưu hành mà không công nhận lại.
Điều kiện sản xuất phân bón
Nghị định số 108/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau:
1- Tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;
2- Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón;
3- Dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng đáp ứng quy trình công nghệ. Các công đoạn, hệ thống bắt buộc phải sử dụng máy thiết bị được cơ giới hóa hoặc tự động hóa theo quy định. Máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh theo quy định của pháp luật;
4- Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng;
5- Có phòng thử nghiệm được công nhận hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất;
6- Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương, đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 1 năm kể từ ngày thành lập;
7- Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học
Bán phân bón phải có bằng cấp
Theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau:
1- Tổ chức, cá nhân được đăng ký hoặc thành lập theo quy định của pháp luật;
2- Có cửa hàng buôn bán phân bón. Cửa hàng buôn bán phân bón phải có: Biển hiệu, sổ ghi chép việc mua, bán phân bón; bảng giá bán công khai từng loại phân bón niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc;
3- Có khu vực chứa phân bón; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng;
4- Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.
Trường hợp cơ sở buôn bán phân bón không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp; có sổ ghi chép việc mua, bán phân bón và đáp ứng quy định về người trực tiếp bán phân bón.