Nhà máy Đạm Ninh Bình |
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư và Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, được xây dựng từ năm 2008 và đi vào vận hành thương mại năm 2012. Tuy nhiên, ngay khi đó, doanh nghiệp đã lỗ 75 tỷ và luỹ kế trong 4 năm (2012 - 2016) lỗ hơn 3.100 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ nghìn tỷ được lãnh đạo nhà máy lý giải là chi phí sản xuất cao hơn giá thành, hàng tồn kho lớn trong khi giá ure trên thị trường lao dốc... Ông Nguyễn Văn Minh - Phó tổng giám đốc Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng phủ nhận việc sử dụng công nghệ, máy móc của Trung Quốc là một phần nguyên nhân khiến nhà máy xuống cấp nhanh chóng sau thời gian ngắn vận hành. "Công nghệ của nhà máy đều là công nghệ của các nước tiên tiến, duy chỉ có tổng thầu EPC là của Trung Quốc", ông Minh nói.
Sau thời gian dài "đắp chiếu", nhiều máy móc của nhà máy đã bị hoá chất ăn mòn, hoen gỉ.
Hơn 6 tháng phải ngừng sản xuất, tới giữa tháng 1/2017 nhà máy này đã bắt đầu khởi động lại. Doanh nghiệp cũng nhận được khoản vốn "mồi" 49 tỷ đồng từ Vinachem trong thời gian đầu vận hành.
Hệ thống băng chuyền nối giữa nhà máy với cầu cảng Ninh Bình để chuyển hàng hóa và bốc than vào lò đốt đã bắt đầu có sản phẩm để vận chuyển.
Hơn nửa năm nghỉ không có việc và chỉ được hưởng mức lương tối thiểu hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, công nhân Nhà máy Đạm Ninh Bình bắt đầu trở lại xưởng làm việc. Nhà máy cũng đang đăng tuyển dụng lượng lớn kỹ sư, công nhân phục vụ cho việc sản xuất trở lại.
Hơn một tháng kể từ ngày khởi động lại sản xuất, lãnh đạo nhà máy cho biết đã sản xuất được gần 40.500 tấn ure, bình quân mỗi ngày 1.400 - 1.500 tấn. Lượng hàng tiêu thụ được gần 30.000 tấn.
Lượng hàng lớn vừa được sản xuất ra vẫn đang nằm trong kho của nhà máy để chờ xuất hàng. Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, hiện nhà máy đang ở trong tình thế bắt buộc phải chạy, nếu không sẽ lỗ nặng thêm. Vị này tiết lộ, với phương án sản xuất hiện tại thì dự kiến năm 2018 công ty sẽ hoà vốn và 3 năm nữa sẽ có lãi trở lại