Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư có quy mô công suất 560.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 667 triệu USD, khởi công xây dựng từ năm 2008 và hoàn thiện đi vào hoạt động từ năm 2012 đặt tại khu công nghiệp Khánh Phú, Ninh Bình.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy Đạm Ninh Bình rơi vào tình trạng lỗ thâm niên. Năm 2012 lỗ 75 tỉ đồng; năm 2013 lỗ trên 759 tỉ đồng; năm 2014 ước lỗ trên 500 tỉ đồng; năm 2015 lỗ trên 370 tỉ đồng. Lỗ lũy kế tới nay lên tới trên 2.000 tỉ đồng.
Tình trạng thua lỗ nặng của Đạm Ninh Bình. |
Do gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và gặp sự cố, từ cuối tháng 3/2016, nhà máy đã phải tạm ngừng sản xuất. Tới nay cũng có tới 400/1000 công nhân của nhà máy phải tạm thời nghỉ việc.
Được biết, ngoài việc thua lỗ do giá u-rê trên thị trường liên tục giảm, các bộ phận của nhà máy đạm Ninh Bình cũng thường xuyên hỏng hóc, những bộ phận này chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc do đó phải thường xuyên tu sửa với nguồn kinh phí lớn.
Bên cạnh đó, việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cũng phụ thuộc nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất tiêu hao nguyên vật liệu cũng cao. Sau mỗi lần dừng rồi khởi động lại nhà máy cũng tốn số tiền không nhỏ, từ 2-5 tỷ đồng.
“Thanh tra Nhà máy đạm Ninh Bình là một vấn đề nóng và liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Hiện nhà máy này đang rất khó khăn về công nghệ sản xuất đạm từ thanh cũng như tiêu thụ sản phẩm”, Bộ trưởng cho biết.
“Nhà máy đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa quyết toán đầu tư. Bắt buộc phải khẩn trương thanh tra để sớm có kết luận, từ đó có chỉ đạo giải quyết dứt điểm” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Một góc Nhà máy Đạm Ninh Bình |
Theo Bộ trưởng, các nhà máy đang gặp khó khăn trong sử dụng công nghệ sản xuất đạm từ than. Do đó, yêu cầu Cục Hoá chất triển khai đánh giá hiệu quả công nghệ sử dụng than để sản xuất đạm, từ đó đánh giá phương án sản xuất kinh doanh của các nhà máy này.
Liên quan đến việc đàm phán nhà thầu xử lý các vấn đề tồn đọng, Bộ trưởng yêu cầu cần làm việc với nhà máy, nhà thầu để có báo cáo, có hướng xử lý đối với nhà thầu, đảm bảo quyết toán dự án đạm Ninh Bình.
Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Hoá chất phối hợp với Tập đoàn hoá chất Việt Nam đánh giá lại hiệu quả của hai nhà máy đạm là đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc để tính toán và dự báo kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
“Thanh tra Bộ cần nhanh chóng triển khai với Tập đoàn Hóa chất kiểm tra nhà máy đạm Ninh Bình để sớm có kết luận và đưa ra định hướng. Qua đó, Bộ sẽ chỉ đạo phương hướng và giải quyết dứt điểm khâu đầu tư vào dự án cũng như phát triển các nhà máy đạm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.