Hai cơ sở vi phạm là đại lý kinh doanh vật tư - thuốc - thức ăn thủy sản Tưởng Phượng do ông Hoàng Văn Tưởng làm đại diện và cơ sở Đảnh Vân do ông Nguyễn Viết Từ làm đại diện. Tang vật bị thu giữ gồm: 20 chai BKC80, 8 bì BZT 200Z và VN-SODA, 23 thùng H Shell và A Qua BZT. Đây điều là những mặt hàng không có trong danh mục vật tư của Bộ NN và PTNT.
Cả 2 cơ sở cùng nằm trên địa bàn xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 25 thùng hàng chứa các sản phẩm là chế phẩm sinh học và các sản phẩm có tác dụng xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản do Công ty cổ phần thương mại Hiếu Lộc, Công ty TNHH Vina Vet, Công ty TNHHSX-TM Bằng Sơn, Công ty Thương mại dịch vụ Hóa chất Nano và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Holin sản xuất.
Những thùng hàng chứa chất cấm. |
Làm việc với người liên quan. |
Theo đó, 2 chủ đại lý tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế qua kiểm tra của Chi cục Thủy sản đã thừa nhận vi phạm 8 sản phẩm với 375 kg. 8 sản phẩm này thuộc loại sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản, không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Ngoài ra còn có 4 sản phẩm khác đang trong quá trình xác minh làm rõ.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc sử dụng hàng cấm, hàng giả các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản khiến người nuôi trồng thủy sản rơi vào trạng huống “tiền mất, tật mang” vì đã không giúp gì cho thủy sản nuôi, mà còn có nguy cơ gây hại cho con người, vật nuôi và môi trường lâu dài.
Một trong những chất cấm bị phát hiện. |
Ngay trong chiều 31.5, toàn bộ số hàng cấm của 2 đại lý tại Phong Hải đã được đưa về để tổ chức tiêu hủy theo quy định.
Trước đó, vào ngày 17.5, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng – mức phạt cao nhất và tịch thu tiêu hủy toàn bộ sản phẩm là hàng cấm và hàng giả của một cơ sở kinh doanh tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện 3 vụ kinh doanh và xử lý 33 loại sản phẩm là hàng cấm và hàng giả về xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Có thể thấy tình hình kinh doanh các sản phẩm cấm trong nuôi trồng thủy sản đang hết sức phức tạp. Việc xử lý hành chính đối với các cơ sở kinh doanh mới chỉ là bước đầu và nếu không có những giải pháp căn cơ hơn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này thì rất khó xử lý triệt để vấn nạn khiến rất nhiều cơ sở và người dân nuôi trồng thủy sản điêu đứng.