Ngăn ngừa gian lận thương mại
Dự thảo Nghị định về hàng hoá có xuất xứ Việt Nam lưu thông trong nước đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến lần này mở rộng phạm vi điều chỉnh và cập nhật nhiều khái niệm, tiêu chí mới. Điển hình, lần đầu tiên các thuật ngữ như “hàng hóa không thay đổi xuất xứ”, “chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa giáp lưng”, “vật liệu giống nhau và có thể thay thế cho nhau” được quy định rõ.
Dự thảo Nghị định về hàng hoá có xuất xứ Việt Nam quy định tiêu chí xác định “hàng sản xuất tại Việt Nam". Ảnh minh hoạ
Dự thảo Nghị định cũng phân định giữa hàng hóa “thuần túy” và “không thuần túy”; bổ sung và chi tiết hóa các quy định về tự chứng nhận xuất xứ: quy định đầy đủ về điều kiện, thủ tục, trách nhiệm và cơ chế kiểm tra đối với thương nhân tự chứng nhận xuất xứ. Điều này nhằm tăng tính chủ động cho DN đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn khi thực hiện các cam kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Đặc biệt, C/O giáp lưng (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền trong các quốc gia FTA) và hàng hóa không thay đổi xuất xứ là 2 khái niệm mới. Điều này phản ánh thực tế hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam, và được quy định rõ các trường hợp được cấp C/O này, nhằm đảm bảo tính liền mạch của chuỗi cung ứng quốc tế mà không làm phát sinh gian lận.
Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới.
Do đó, những nội dung mới mà dự thảo Nghị định sẽ làm cơ sở triển khai cho giai đoạn các năm tới, tạo cơ sở để DN, cơ quan quản lý xác định xuất xứ Việt Nam của hàng hóa xuất nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, phù hợp pháp luật hiện hành. Nghị định cũng hướng tới tăng cường công tác phòng chống gian lận xuất xứ, hạn chế tình trạng giả mạo xuất xứ; bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc, nhãn điện tử
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, DN chân chính, ThS. Bùi Thị Thùy Dương – Chuyên viên Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia khuyến nghị, cần sớm thiết lập hành lang pháp lý minh bạch về hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam lưu thông trong nước. Theo đó, ban hành văn bản quy định tiêu chí xác định “hàng sản xuất tại Việt Nam”; đồng thời, bổ sung hoàn thiện thêm quy định về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa hàng hóa.
Dự thảo Nghị định về hàng hoá có xuất xứ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng cường tính minh bạch và nhất quán trong việc xác định xuất xứ hàng hóa. Ảnh minh hoạ
Theo đó, việc xây dựng một hệ thống tiêu chí áp dụng chung cho tất cả các loại hàng hóa nhằm xác định khi nào một sản phẩm được phép ghi “sản xuất tại Việt Nam” cần được thiết kế linh hoạt, có lộ trình, phân loại theo nhóm ngành hoặc rủi ro. Đồng thời, cần có sự tham vấn rộng rãi với DN, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý chuyên ngành để đảm bảo tính khả thi và đồng thuận cao trong thực tiễn áp dụng.
Đề cập về giải pháp quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng, cần áp dụng chuyển đổi số vào xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về chuỗi cung ứng và nguồn gốc sản phẩm; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử kết nối DN với cơ quan quản lý để lưu trữ, khai báo và truy xuất các thông tin về nguyên liệu, linh kiện, công đoạn sản xuất.
Về phía DN, có thể tự kê khai số liệu về tỷ lệ nội địa hóa, mã HS, chứng từ đầu vào... và được cấp mã định danh số cho sản phẩm đã đủ điều kiện ghi “sản xuất tại Việt Nam”. Hệ thống này vừa giúp cơ quan quản lý hậu kiểm nhanh chóng, vừa giảm gánh nặng thủ tục giấy tờ cho DN.
Đối với việc ghi nhãn hàng hóa, nên thúc đẩy ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, nhãn điện tử (QR code, blockchain). Triển khai mã QR hoặc công nghệ blockchain trên nhãn sản phẩm để cho phép người tiêu dùng truy cập thông tin chi tiết về quy trình sản xuất, nơi gia công, tỷ lệ linh kiện nhập khẩu... Đối với các ngành có rủi ro gian lận cao (điện tử, thực phẩm chức năng, thời trang...), nên thí điểm truy xuất nguồn gốc đến cấp lô hàng hoặc từng sản phẩm, giúp nâng cao niềm tin và trách nhiệm minh bạch thông tin.
Hiện nay thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt khi Mỹ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới, các hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng gia tăng nên việc xây dựng Nghị định mới về hàng hoá có xuất xứ Việt Nam là cần thiết và cấp bách. Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn |