GP Batteries International Limited có trụ sở tại Singapore mới thông báo mua 1,37 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Pin Hà Nội trong nửa cuối tháng 12/2019 thông qua đấu giá. Sau giao dịch, doanh nghiệp này sở hữu hơn 3,55 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn công ty sở hữu thương hiệu Pin Con Thỏ.
![]() |
Tập đoàn GP Batteries International Limited mua 1,37 triệu cổ phiếu trong đợt bán đấu giá của Vinachem để tăng sở hữu tại công ty nắm giữ thương hiệu Pin Con Thỏ. |
Trước đó vào ngày 16/12, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức bán đấu giá 1,52 triệu cổ phiếu Pin Hà Nội với giá khởi điểm 29.700 đồng nhằm thoái toàn bộ vốn nhà nước theo quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên, khối lượng bán thành công chỉ xấp xỉ 1,4 triệu cổ phiếu vì không có nhà đầu tư đăng ký mua toàn bộ.
GP Batteries International Limited trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 30% vốn tại Pin Hà Nội từ năm 2010. Pin Hà Nội cũng góp vốn với đối tác ngoại để thành lập công ty chuyên sản xuất pin và ắc quy tại tỉnh Hà Nam.
Các hợp đồng lớn nhất của công ty đều là ký với các đơn vị thành viên của GP để xuất khẩu pin sang Brazil, Ấn Độ, Singapore. Ban lãnh đạo công ty ước tính xuất khẩu đóng góp trên 30% tổng doanh thu hàng năm.
Tại thị trường nội địa, thương hiệu Pin Con Thỏ chiếm khoảng 40% thị phần và chủ yếu tập trung ở khu vực phía Bắc. Năm 2019, công ty đặt mục tiêu đạt 375 tỷ đồng doanh thu và trên 25 tỷ đồng lợi nhuận.
Trước đó, ngày 13/3/2019, hơn 7 triệu cổ phiếu PHN của CTCP Pin Hà Nội (Habaco, HNX: PHN) đã chính thức giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.200 đồng/cổ phiếu.
Tiền thân Habaco là nhà máy Pin Văn Điển, được thành lập từ đầu năm 1960. Đến 02/01/2004, Habaco chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu là 14 tỷ đồng. Từ khi chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần đến nay, Habaco đã trải qua 4 đợt tăng vốn, tới nay, vốn điều lệ của Công ty là 73 tỷ đồng.
Tính đến 28/9/2018, 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn điều lệ của Habaco là Tập đoàn hóa chất Việt Nam (21%), GP Batteries International Limited (30%) và ông Phạm Văn Nghĩa – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Habaco (5.02%).
Habaco được biết đến với thương hiệu Pin Con Thỏ chiếm 40% thị phần pin trong nước. Riêng đối với thị trường miền Bắc và Tây Nguyên, Habaco chiếm đa số thị phần. Đồng thời, tỷ lệ xuất khẩu hiện tại chiếm 30% tổng doanh thu của Công ty chủ yếu thông qua việc xuất khẩu cho Tập đoàn pin quốc tế GP vào thị trường Ấn Độ và Braxin.
Hiện tại, Công ty đang sở hữu công nghệ sản xuất pin bằng giấy tẩm hồ không thủy ngân và không cadimi; 02 dây chuyền sản xuất pin R6 công suất 600 cái/phút tự động hóa; 01 dây chuyền sản xuất pin R03 công suất 380 cái/phút bán tự động.
Xét về sản phẩm, Habaco cung cấp 7 loại pin cho thị trường bao gồm: Pin đại R20, pin tiểu R6, pin đũa R03, pin trung R14, pin cối R40, pin tổ hợp BTO-45V và Pin tổ hợp PO2 – 27V. Trong đó, doanh thu thuần sản phẩm pin R6 hiện đang đóng vai trò chủ lực và có tăng trưởng nhẹ so sản phẩm R6 đang trong giai đoạn tiệm cận đến đỉnh cao của dòng đời.
Về hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2018, doanh thu thuần của Habaco đạt hơn 349 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ 4% so với năm 2017 nhưng lợi nhuận sau thuế của Habaco giảm 21% so với năm 2017, đạt hơn 16 tỷ đồng.
Theo Công ty, nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố chi phí nguyên liệu đầu vào (đặc biệt là kẽm thỏi) tăng mạnh, cụ thế là giá mua kẽm trong năm 2017 là 61.85 triệu đồng/tấn trong khi giá kẽm trong năm 2018 là khoảng 68 triệu đồng/tấn.