Từ năm 2017 trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự phát triển nhanh để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của DN. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm lại, 9 tháng năm 2019 khối lượng phát hành TPDN tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. “Sự phát triển của thị trường TPDN cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới việc phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng, nhằm giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ. Sự phát triển nhanh của thị trường TPDN đặt ra yêu cầu đối với các chủ thể tham gia vào thị trường này”- thông cáo của Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu. |
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, lũy kế 10 tháng năm 2019, tổng lượng TPDN phát hành là 178.732 tỷ đồng (số liệu bao gồm cả các lô phát hành ra công chúng nhưng không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do chưa được công bố). Các ngân hàng thương mại vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 79.411 tỷ đồng (chiếm 44,4%). Đứng sau là các DN bất động sản (61.269 tỷ đồng - chiếm 34,3%), còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, công ty chứng khoán và các DN khác.
Đối với nhóm ngân hàng, cả tháng 10 các ngân hàng thương mại chỉ phát hành thêm 2.781 tỷ đồng trái phiếu, trong đó có 1.000 tỷ đồng phát hành dưới hình thức chào bán ra công chúng của Vietinbank, còn lại là các lô phát hành riêng lẻ của ABBank, Seabank, SHB, Bắc Á Bank, HDB, MBB.
Số liệu thống kê cho thấy đối với doanh nghiệp bất động sản, lãi suất phát hành phổ biến dao động từ 9,5%-11,5% cho các kỳ hạn từ 2 -5 năm; trong đó, trái phiếu có lãi suất dưới 10% chiếm 43,1% tổng khối lượng phát hành, lãi suất từ 10%-11%/năm chiếm 33,4%, lãi suất từ 11%-12%/năm chiếm 22,7%, trái phiếu có lãi suất 12% chiếm 3,9%, trái phiếu có lãi suất phát hành trên 12% chiếm 0,7% lượng phát hành.
Về lãi suất, cá biệt có những lô phát hành lãi suất cao ngất ngưởng. Cá biệt có lô phát hành hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu 5 năm của Công ty CP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng có mức lãi suất đáng kinh ngạc, lên tới 20%/năm do ACBS thu xếp phát hành.
Số liệu thống kê cho thấy đối với doanh nghiệp bất động sản, lãi suất phát hành phổ biến dao động từ 9,5%-11,5% cho các kỳ hạn từ 2 -5 năm; trong đó, trái phiếu có lãi suất dưới 10% chiếm 43,1% tổng khối lượng phát hành, lãi suất từ 10%-11%/năm chiếm 33,4%, lãi suất từ 11%-12%/năm chiếm 22,7%, trái phiếu có lãi suất 12% chiếm 3,9%, trái phiếu có lãi suất phát hành trên 12% chiếm 0,7% lượng phát hành.
Có lãi suất cao nhất trong nhóm này có thể kể đến Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR), công ty này phát hành tổng 850 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp 3 lần với mức lãi suất lần lượt là 14,5%, 12% và 10,5%;
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (HoSE: NVL) phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, qua 2 đợt, mỗi đợt 200 tỷ đồng, lãi suất đều xấp xỉ 11%.
Tương tự, một loạt các công ty khác cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay có thể kể đến như: Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG), Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (CTI)…
Bộ Tài chính cho biết: Với đặc thù trái phiếu doanh nghiệp là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ, mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh, nên nhà đầu tư cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
Theo Bộ Tài chính, một số rủi ro nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp phải là: doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do mất khả năng thanh toán; doanh nghiệp không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; doanh nghiệp không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn...
Do đó, Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao.
Trường hợp mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần phải nắm rõ các thông tin gồm: trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; cam kết của chủ thể phát hành đối với trái phiếu; kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính và việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.
Bộ Tài chính cho hay: Thông lệ thị trường tài chính cho thấy trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro.
Đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư nên tham gia đầu tư qua các Quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo việc đầu tư an toàn, hiệu quả.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, bền vững Bộ Tài chính khuyến nghị doanh nghiệp phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư hiểu rõ và tuân thủ quy định của pháp luật về phát hành, đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, hiểu rõ về đặc điểm của trái phiếu và các rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
"Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường công tác quản lý giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này", Bộ Tài chính cam kết.