Chia sẻ về chủ đề này, Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink cho rằng 7 điều sau sẽ là nền tảng giúp bạn hạn chế rắc rối đến mức thấp nhất ở nơi làm việc và tăng hiệu suất công việc.
Làm việc cẩn thận, có trách nhiệm
Đây là đặc điểm được nhà tuyển dụng đánh giá cao ở các ứng viên tìm việc làm ở Bình Dương hay bất cứ nơi nào khác trong quá trình tuyển dụng và bạn cũng nên luôn phát huy chúng khi đã nhận được việc. Để không bị dính vào các rắc rối, điều đầu tiên và cốt lõi đó là phải đảm bảo bạn đã hoàn thành tốt công việc, đúng trách nhiệm. Do đó cần chú trọng cách làm việc, chú ý đến chi tiết, kiểm tra nhiều lần sẽ giúp bạn ít bị mắc các sai sót dù lớn hay nhỏ, kết quả là người khác cũng không có cơ hội để bắt bẻ hay gây rắc rối. Đồng thời một người có tính cẩn thận cũng làm cho người khác coi trọng và yên tâm tin cậy hơn.
Tránh buôn chuyện, ngồi lê đôi mách
Trong môi trường công sở, thói ngồi lê đôi mách sẽ dễ làm bạn gặp rắc rối. Thường là họa từ chính miệng mà ra. Chính vì vậy, tốt nhất nên nói và nghe những gì cần thiết, không nên tùy tiện bàn luận, nhận xét chuyện của người khác, đặc biệt khi vấn đề đó không liên quan đến công việc. Ngoài ra tuyệt đối không dựng chuyện xúc phạm ảnh hưởng đến danh dự uy tín của người khác. Đây cũng là thói xấu nhiều người mắc phải, là nguyên nhân tự mang rắc rối đến cho mình.
Hạn chế chia sẻ chuyện cá nhân
Chuyện riêng của bản thân tốt nhất là không kể với đồng nghiệp xung quanh. Chỉ nên chia sẻ nếu bạn thực sự khó khăn hoặc sự việc cần có sự giúp đỡ của người khác. Chia sẻ chuyện cá nhân không liên quan, không giúp ích gì cho công việc, đôi khi không nhận được sự cảm thông mà còn gây ra tác dụng ngược lại, và là đề tài bàn tán trong các câu chuyện của đồng nghiệp. Hãy dành thời gian chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và học hỏi thêm những điều bổ ích phục vụ cho công việc bạn nhé.
Tôn trọng đồng nghiệp xung quanh dù họ là ai
Để tránh các rắc rối, bạn nên tuyệt đối tôn trọng những đồng nghiệp xung quanh. Tránh thể hiện thái độ coi thường người khác dù họ làm ở vị trí thấp kém hơn. Đây cũng là thái độ ứng xử của người văn minh, có phẩm chất tốt đẹp. Ngoài ra, không nên tùy tiện kể tội người khác trước mặt họ nơi đông người, trước sếp hoặc khách hàng. Cách làm này làm cho đối phương “mất mặt”, xấu hổ hoặc tức giận sẽ phản kháng lại, chưa kể giữ mối thù ghét trong lòng và tìm cách đáp trả.
Bạn nên luôn học cách tự xem xét và rèn luyện bản thân từng ngày để trở nên khiêm nhường, khôn ngoan được mọi người yêu mến. Mọi việc sẽ thuận lợi và môi trường sống quanh bạn sẽ “dễ thở” hơn nhiều.
Chủ động nhận lỗi
Đừng trốn tránh, đổ lỗi hoặc cố chấp không nhận ra lỗi lầm của mình nếu bạn thực sự là người gây ra. Điều này chỉ làm cho tình hình thêm tồi tệ. Bạn sẽ bị xấu hổ và gặp rắc rối lớn hơn nếu bị phát hiện. Chân thành, chủ động thừa nhận sai lầm và khắc phục sớm nhất là một trong những cách tránh rắc rối hiệu quả. Sếp, đồng nghiệp sẽ đánh giá cao và nể trọng hơn người biết chủ động nhận lỗi, biết sai và sửa sai.
Giúp đỡ đồng nghiệp trong khả năng
Khi được yêu cầu giúp đỡ, nhờ vả làm thay bạn nên sẵn lòng. Vì giúp đỡ nhau là điều cần thiết và một lúc nào đó, bạn cũng cần họ giúp lại. Tuy nhiên, một khi đồng ý thì nên cẩn trọng và cố gắng để làm công việc một cách tốt nhất. Chỉ nhận lời làm công việc trong khả năng và biết chắc mình sẽ hoàn thành tốt. Tránh nhận lời vì cả nể nhưng bản thân lại không làm được để ảnh hưởng đến người đó, đồng thời cũng đánh mất uy tín của mình và tạo ra các rắc rối kèm theo.
Áp dụng nguyên tắc “biết người biết ta”
Bạn cần đủ tinh tế để nhận thấy tính cách của từng người cùng làm việc xung quanh để có cách ứng xử phù hợp. Với đồng nghiệp có các thói xấu như hay thọc mạch, ích kỷ, ganh tị, hay gây rối... tốt nhất nên hạn chế trò chuyện, chỉ cần giữ mối quan hệ ở mức xã giao, trong công việc nên rõ ràng sòng phẳng. Chỉ nên kết giao, học hỏi những người có nhân cách tốt, trung thực, thái độ tích cực, hiểu chuyện và có tinh thần cầu tiến, ý thức xây dựng tập thể...
Làm việc trong bất cứ môi trường nào cũng rất dễ xảy ra các mâu thuẫn, xung đột bắt đầu từ một vài vấn đề tưởng chừng rất nhỏ. Cách ứng xử khéo léo và biết dung hòa các mối quan hệ sẽ giúp hóa giải làm cho tình hình dịu đi. Hạn chế rắc rối giúp công việc thuận lợi hơn, không phải mất thời gian tranh cãi, giải thích hoặc phân tâm vì những phiền phức do các vấn đề gây ra. Điều này cũng giúp bạn xây dựng được hình ảnh cá nhân tốt, tăng độ tin cậy và được sếp đánh giá cao.