Có sự tiếp tay của lực lượng chức năng địa phương với hàng giả, hàng lậu
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội chiều 5/11, trả lời đại biểu Trần Văn Tiến về nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận đây là tình trạng tương đối phổ biến, được tổ chức tinh vi và có liên kết cả trong phạm vi trong và ngoài nước. Ông cũng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, đặt ra yêu cầu phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh |
Theo Bộ trưởng Công Thương, vừa qua Tổng cục Quản lý thị trường được thành lập để giải quyết tình trạng này, lực lượng này đang tiếp tục phát huy vị thế qua việc phối hợp với các địa phương.
Thừa nhận Bộ Công Thương và lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm của mình, song theo ông Tuấn Anh cho rằng cần có trách nhiệm của cả hệ thống trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, cũng như đấu tranh với các hành vi tiếp tay.
“Không chỉ có thuốc giả mà còn có quần áo giả, việc này có sự tiếp tay của lực lượng chức năng của địa phương. Bộ Công Thương vừa qua quyết liệt đấu tranh chống các mặt hàng giả như đường, quần áo, tập trung một số địa bàn trọng điểm như Đồng Tháp, An Giang, Hà Nội”, Bộ trưởng nói.
Ông nhấn mạnh tới đây Tổng cục Quản lý thị trường sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình và có giải pháp đấu tranh hữu hiệu hơn nữa.
Còn khoảng 800.000 người bán hàng đa cấp
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) liên quan đến tình hình quản lý bán hàng đa cấp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc siết chặt quản lý bán hàng đa cấp đã có tiến bộ khi trước đây có khoảng 1,3 triệu người và 50 doanh nghiệp đa cấp, đến nay chỉ còn khoảng 800.000 người và 23 doanh nghiệp.
Thực tế, có 300.000 người bán hàng đa cấp thực sự với mục tiêu hướng tới lợi nhuận, còn lại chủ yếu để mong hưởng chiết khấu.
Bộ trưởng Công thương cho biết thông qua việc ban hành Nghị định 04 đã mang lại những nền tảng cơ bản để quản lý bán hàng đa cấp đúng mục đích, đúng bản chất và không cho phép doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại lớn cho xã hội.
"Đến nay chúng ta đã siết chặt lại và đã gần như đảm bảo được hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo lợi ích của người dân cũng như người tham gia bán hàng đa cấp. Chúng ta đã tham mưu báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội để bổ sung Điều 127 a trong Bộ luật Hình sự để quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng tham gia bán hàng đa cấp trục lợi trục lợi bất chính bảo đảm sự răn đe như trước chế tài mạnh", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng hiện nay với sự phát triển của kinh tế xã hội và hội nhập, Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều bất động đa cấp bất chính trong nhiều lĩnh vực, không chỉ là bán hàng đa cấp trong các mặt hàng sản phẩm thương mại mà đa cấp, huy động tín dụng hay đa cấp trong các dịch vụ khác.
Bộ trưởng Công thương thừa nhận đây là vấn đề mới, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Bộ Công thương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có biện pháp điều chỉnh, bổ sung luật lệ để quản lý hiệu quả hơn.
Kinh tế Việt Nam là "kinh tế mở" hay "kinh tế hở?
Chiều 6/11, tiếp tục đặt câu hỏi tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam. Ông cho rằng vấn đề quan trọng nhất mà Bộ trưởng chưa trả lời là lỗ hổng về mặt pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt sự công khai minh bạch về quy định thế nào là hàng Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) |
“Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không. Như vậy, đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao. Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không”, ông Sinh đặt câu hỏi.
Đại biểu tỉnh Hòa Bình cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang chết ngay trên sân nhà. Đại biểu đặt câu hỏi liệu kinh tế Việt Nam là "kinh tế mở" hay "kinh tế hở".
Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) yêu cầu Bộ Công Thương nêu rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trong việc để các doanh nghiệp lợi dụng hàng hóa gắn mác Việc Nam chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đi các nước khác.
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cũng nêu vấn đề có hay không buông lỏng quản lý trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ, và khi nào sẽ có quy định về ghi nhãn hàng hoá để bảo vệ hàng Việt Nam.
Các câu hỏi này đều chờ bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời vào sáng mai 7/11.