Hướng về “trách nhiệm xã hội” của DN
Khi Việt Nam là thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì cần tích cực tuân thủ “luật chơi” chung, trong đó có yêu cầu cao hơn về trách nhiệm xã hội (CSR - Corporate Social Responsibility). Qua đó, CSR của DN phải thể hiện cụ thể, dựa vào các yếu tố như: Bảo vệ môi trường; Đóng góp cho cộng đồng xã hội; Thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; Bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; Quan hệ tốt với người lao động; Đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động. Trong đó, bốn yếu tố đầu tiên thể hiện trách nhiệm bên ngoài của DN, còn hai yếu tố cuối thể hiện trách nhiệm bên trong của DN…
Asanzo với chương trình nước sạch học đường |
Cho đến nay, không ít DN vẫn chưa thấy rõ cơ hội từ TPP, nhưng đã có nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó, nếu xét kỹ điều kiện đàm phán với Việt Nam trong tham gia TPP, chính là việc đầu tư và thực thi CSR của DN; trong 14 vấn đề được đàm phán và cam kết ở các lĩnh vực, đã có nguyên hai mục mang đậm nội hàm CSR, chưa kể ở các mục “tinh thần” CSR cũng đòi hỏi dày đặc.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều thương hiệu như: FPT, Thaco, VietinBank, Vissan, Đạm Phú Mỹ, Vingroup, Traphaco, PVEP, Thiên Long… chiếm vị thế trên thị trường, đã có nhiều tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận. Và họ đã làm rất tốt các chương trình CSR, thông qua việc gắn sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường, hành động cải thiện đời sống cho cán bộ nhân viên, mở rộng ra nhiều địa phương, cư dân và xã hội.
Theo ông Florian Beranek, Cố vấn trưởng dự án “Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao hiểu biết và thực hiện CSR, hướng tới tăng cường liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất bền vững” do EU tài trợ, có hai vấn đề mà DN Việt Nam hay “viện dẫn” mỗi khi nói đến thực thi CSR: Thứ nhất là ít ngân sách; thứ hai là ít thời gian. Thực tế, ngân sách hay thời gian tuy thường là khó khăn chính của DN khi triển khai CSR, nhưng không phải là tất cả. Bởi, CSR không phải là trách nhiệm xa xôi, mà trước hết nằm ngay trong DN, trong ứng xử của DN với mỗi một cán bộ nhân viên, với khách hàng, đối tác…
Khi DN khó khăn, điều các nhân viên sợ nhất là mất việc làm, thất nghiệp. Làm sao để chia sẻ, gắn bó, đào tạo nâng cao tay nghề nhân viên hơn là sa thải nhân viên, cũng đã là một CSR rồi. Vì thế, Asanzo dù trong cơn “thập tử nhất sinh” vẫn mở cửa hoạt động trở lại, để bảo đảm việc làm và thu nhập cho gần 1.000 kỹ sư, công nhân.
Ngay từ đầu, Asanzo đã thể hiện quyết tâm song song với hoạt động sản xuất, kinh doanh là chung tay cùng xã hội, cùng các cấp lãnh đạo, cùng chính quyền thể hiện sự quan tâm, chăm sóc người nghèo khó, nhất là tri ân sâu sắc đến các gia đình chính sách, với những người đã hi sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Asanzo thăm và tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng |
Gian khó mấy cũng không từ bỏ...
Chuyên gia thương hiệu Amir Kassaei từng chia sẻ: “Thương hiệu không chỉ là sản phẩm, lời hứa hay là cảm giác. Nó là tổng hợp các trải nghiệm của một cá nhân đối với một DN”. Cái trải nghiệm cảm giác của một cá nhân với thương hiệu DN tất yếu có sự vun bồi từ các hoạt động CSR. Và từ CSR, từ thương hiệu có giá trị vô hình, sẽ đóng góp mạnh mẽ cho sự gia tăng giá trị hữu hình.
Trong ba thành tố kinh tế, môi trường và xã hội mà CSR xoay quanh, không có thành tố nào mang tên “con người”, nhưng thực chất nó chỉ xoay quanh con người, vì con người mà thôi. Trong đó, niềm tin của con người, lòng tin của người tiêu dùng (dựa vào chất lượng sản phẩm DN cung cấp) cũng phần nào được xây dựng hoặc cải thiện dựa trên chiến lược CSR của DN. Đổi lại, DN có thể đánh giá hiệu quả của CSR qua nhiều chỉ số tài chính khác nhau như: Sự hài lòng của người tiêu dùng, số lượng khiếu nại, mức tiêu thụ năng lượng, khối lượng rác thải, năng suất lao động…
Dù là bạn với Tam hơn 15 năm qua nhưng khi Asanzo do Tam làm chủ bị ngập trong “vòng xoáy” khủng hoảng, tôi đã chọn cách nhắn tin thăm hỏi riêng và im lặng. Chỉ đến gần đây, khi ngồi với Tam, tôi mới gạn hỏi về những khó khăn mà Tam đang phải đương đầu.
Tôi biết trong gian khó, Tam vẫn thế, vẫn rắn rỏi và tràn đầy khát vọng vươn lên. Tam bảo: “Mình xuất thân nghèo khó, bước chân vào thương trường bằng nghề buôn bán hàng điện tử, dù nhiều khó khăn nhưng kinh tế cũng đủ đắp đổi qua ngày. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của mình là làm giàu chính đáng và lan tỏa “giấc mơ” thoát nghèo đến cộng đồng, qua các hoạt động CSR, nhất là đối với người nghèo và các gia đình chính sách.
Asanzo tặng máy lọc nước trong chương trình nước sạch học đường |
Thế là thương hiệu Asanzo ra đời.
Gác lại những khó khăn trước mắt của Asanzo, Tam hào hứng nói về chuyện: “Ngoài sản xuất kinh doanh, Asanzo cũng thường xuyên tham gia các chương trình hỗ trợ nhiều gia đình nghèo khó… Khi qua những vùng quê, tôi thấy đời sống của người dân dù được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn thiếu thốn. Các đồ dùng thiết yếu và ti vi được xem là loại tài sản lớn mà họ mong muốn có được trong ngôi nhà của mình. Asanzo khi đó đã tặng ti vi cho người nghèo khó, gọi là “cây nhà lá vườn”. Dù đó chỉ là món quà nhỏ bé nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm. Thế nên, khó mấy tôi cũng không từ bỏ đâu”.
Rời quán cà phê, tôi đưa Tam về đến cổng nhà máy Asanzo, nằm nép mình ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân. Trong tiếng vận hành rào rào của máy móc, vang vọng từ khu nhà sản xuất, Tam tháo chiếc mũ bảo hiểm ra, rồi mời tôi vào Asanzo thăm thú. Tôi viện lý do để khi khác, rồi quay xe về, trong khi hàng trăm kỹ sư, công nhân còn hăng say với công việc ở nhà máy của Asanzo...
Chợt nghĩ, ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) vừa mới qua thôi, niềm vui của người doanh nhân vì thế cũng “ngắn chẳng tày gang” và họ luôn phải mang trong mình nhiều gánh nặng. Chỉ mong sao Tam sẽ vượt qua giai đoạn gian khó này, để hòa chung niềm vui với doanh nhân cả nước!