Chỉ ít ngày sau sự kiện ra mắt Bphone 2017, thêm một thương hiệu Việt tuyên bố gia nhập thị trường di động. Đó chính là Asanzo - cái tên dễ liên tưởng đến một thương hiệu "ngoại", nhưng do một doanh nhân người Việt tên Phạm Văn Tam khai sinh và khá thành công trước đó trong mảng thiết bị nghe nhìn, đồ điện gia dụng.
Chiều 15/8, Asanzo sẽ lần đầu ra mắt smartphone. Theo những thông tin ít ỏi trước sự kiện, nhiều khả năng mẫu di động mới của Asanzo sẽ mang tên Z5, giá dự kiến dưới 5 triệu đồng. Hình ảnh trên thư mời cũng cho thấy model này có camera kép ở mặt sau, thân kim loại, phím home khá lớn.
Asanzo sắp "chào sân" với smartphone đầu tay đánh vào phân khúc phổ thông. |
Ngoài ra, Asanzo cũng có thể ra mắt thêm một model cấu hình thấp hơn, chú trọng thời lượng pin để phù hợp với những người dùng lần đầu sở hữu smartphone.
So với Bkav và Mobiistar, hai thương hiệu điện thoại đã được biết đến rộng rãi trước đó, Asanzo là cái tên rất mới mẻ với nhiều người thành thị. Tuy nhiên, thương hiệu này lại khá phổ biến ở tỉnh lẻ, nơi người dùng quan tâm nhiều hơn đến mức giá và cân đong đo đếm kỹ lưỡng khi mua sản phẩm gia dụng.
Với những chiếc TV LED lắp ráp tại Việt Nam theo công nghệ Nhật Bản, đi kèm mức giá bình dân, Asanzo dần trở thành cái tên đáng ngại cho các đối thủ ngoại. Thị phần TV của hãng đang ở mức 15% (tính đến 2016), doanh số hơn 500.000 chiếc. "Thừa thắng xông lên", Asanzo đầu tư thêm dây chuyền sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như TV màn hình cong 4K, máy làm mát, máy lạnh inverter, máy lọc nước, nồi cơm điện...
Ngoài lợi thế về thương hiệu gây dựng trong ba năm qua, Asanzo cũng có trợ lực từ hệ thống 6.000 đại lý chuyên bán TV và các sản phẩm tiêu dùng đã xây dựng trước đó nếu kinh doanh smartphone. Tổng giám đốc Phạm Văn Tam của Asanzo cũng cho biết thương hiệu này cũng sẽ liên kết với 1.500 cửa hàng bán lẻ điện thoại khác để giúp người dùng dễ tiếp cận hơn với smartphone của hãng.
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí gần đây, ông Phạm Văn Tam tiết lộ các mẫu smartphone mới sẽ hướng đến tỉnh thành và vùng nông thôn ở Việt Nam ở mức giá phổ thông thay vì làm sản phẩm cao cấp như Bkav.
"Thị trường smartphone Việt Nam luôn có nhiều thách thức và đầy cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh với các sản phẩm trong nước mà còn các thương hiệu quốc tế. Cạnh tranh ở lĩnh vực này chắc chắn sẽ rất chông gai, đầy khó khăn và thách thức, nhưng không có gì là không thể", ông Tam chia sẻ thêm.
Đây cũng chính là lối đánh mà Mobiistar đang áp dụng: né các đô thị lớn và tìm thị phần tại vùng nông thôn, nơi đang có nhiều người dùng sở hữu điện thoại cơ bản và sắp chuyển sang smartphone. Chiến thuật này đã chứng minh được hiệu quả khi Mobiistar luôn có mặt trong bảng xếp hạng thị phần của GfK trong vài năm qua, có tháng nhỉnh hơn cả doanh số chính hãng của Apple và bỏ xa các đối thủ ngoại như HTC, Sony.
Động thái nhập cuộc của Asanzo và trước đó là Bkav với Bphone 2017 mang lại những nét mới cho thị trường smartphone Việt, vốn đã quá nhàm chán khi Samsung và Oppo chia nhau thâu tóm gần trọn miếng bánh thị phần.
"Họ có lợi thế về kênh phân phối khi có sẵn các chuỗi cửa hàng, có sẵn nhận diện ổn về thương hiệu. Do đó, cơ hội để ‘đánh thắng’ các đối thủ ngoại chỉ còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm", đại diện một nhà bán lẻ nói với Zing.vn về "cửa thắng" của Asanzo trong vai trò "lính mới".