Gạch men Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam bị cơ quan Hải quan lật tẩy khi nhập khẩu về cảng VICT TP.HCM. Ảnh: T.H. |
Thực ra, sự việc của Khaisilk cũng không phải là hãn hữu, bởi trong thời gian qua, tình trạng hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được một số đối tượng “phù phép” thành sản phẩm của Việt Nam đã bị cơ quan chức năng phát hiện khá nhiều. Trên thực tế, sản phẩm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt không giới hạn ở bất cứ nhóm hàng hóa nào mà phổ biến từ cao cấp đến bình dân. Từ củ khoai tây, củ hành, củ tỏi… đến quần áo, máy móc, sản phẩm xây dựng có xuất xứ từ Trung Quốc đều được các đối tượng làm ăn bất chính phù phép thành hàng Việt để lừa người tiêu dùng.
Cụ thể, tại cửa khẩu cảng biển TP.HCM, trong thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện và ngăn chặn hàng chục container hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm được gắn nhãn mác giả hàng Việt Nam “Made in Vietnam”, hay hàng giả các thương hiệu nổi tiếng. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, tại các cửa khẩu cảng biển TP.HCM, cơ quan Hải quan đã phát hiện và ngăn chặn gần 20 container hàng có xuất xứ Trung Quốc nhưng giả nhãn hiệu nổi tiếng, giả xuất xứ Việt Nam và một số nước châu Âu.
Theo phản ánh của cơ quan Hải quan, các quy định về hành vi dán nhãn mác giả xuất xứ, giả nhãn hiệu... còn chồng chéo nên việc phát hiện xử lý người làm giả xuất xứ hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, muốn xử lý đối tượng vi phạm đòi hỏi lực lượng chức năng bắt quả tang nơi sản xuất hàng giả, bên cạnh đó, chủ thể quyền phải thừa nhận tang vật bắt giữ là hàng giả, hàng nhái… Nhưng thực tế cho thấy, việc xác định nguồn gốc một lượng lớn hàng nhập lậu "đội lốt" hàng Việt không dễ dàng.
Chẳng hạn, năm 2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện lô hàng gồm 6 container gạch men NK từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm lại ghi sản xuất tại Việt Nam. Lô hàng trên do Công ty TNHH H.T. (TP.HCM) làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái. Cuối năm 2016, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 cũng phát hiện 7 container gạch men nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng trên sản phẩm cũng được ghi hàng sản xuất tại Việt Nam. Đáng chú ý, trên bao bì sản phẩm thể hiện chữ “Made in Viet Nam”; nhãn hiệu ROYALGRES PORCELLANATO, sản xuất tại KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (?!).
Để làm rõ hành vi giả mạo xuất xứ nêu trên, cơ quan Hải quan phải cử công chức đến doanh nghiệp sản xuất thương hiệu gạch men nêu trên để xác minh. Qua thông tin xác minh tại Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia có địa chỉ và sản phẩm như thông tin thể hiện trên sản phẩm nhập khẩu nêu trên, công ty này khẳng định không có bất cứ mối quan hệ làm ăn, mua bán hay đặt gia công với Công ty TNHH H.T. và cũng không xuất khẩu mặt hàng gạch lát nền nhãn hiệu ROYALGRES vào thị trường Trung Quốc.
Hàng Trung Quốc giả nhãn hiệu do cơ quan Hải quan bắt giữ tại cảng Cát Lái tháng 8/2017. Ảnh: Thu Hòa. |
Từ thông tin kiểm tra thực tế hàng hóa và thông tin xác minh DN của cơ quan chức năng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 xác định Công ty TNHH H.T. NK hàng hóa có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất đóng gói hàng hóa trên nhãn, bao bì hàng hóa… với mức phạt hành chính 80 triệu đồng và buộc tái xuất hàng vi phạm, không xử lý doanh nghiệp về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được.
Ngoài ra, tại thị trường nội địa, cơ quan chức năng cũng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ hàng Trung Quốc, nhưng lại mang nhãn mác xuất xứ Việt Nam. Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, phát hiện thu giữ gần 4 tấn nắp chai bia, giấy bạc màng co, kem dưỡng da; trên 350.000 cái nhãn, bao bì, vỏ chai bia các hiệu; 28.401 đơn vị sản phẩm quần áo, mắt kính, giày dép, túi xách thương hiệu Chanel, Nike, CK, Adidas, LV, Tommy, Lacoste giả nhãn hiệu, xuất xứ.
Từ thực tế trên cho thấy, hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt đang là vấn đề nhức nhối, khiến người tiêu dùng lo lắng, bất an…