Ghi nhận của PV ngày 18/6 cho thấy, khoảng hơn 50% sạp kinh doanh ở chợ Bến Thành vẫn "cửa đóng then cài". Theo những tiểu thương đang bán tại đây, đa số sạp này chuyên bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ hoặc các mặt hàng thời trang, phụ kiện nhắm đến đối tượng khách du lịch quốc tế.
Khoảng hơn 50% sạp kinh doanh ở chợ Bến Thành vẫn đóng cửa.
"Ba tháng nay không có người nước ngoài, họ mở lại cũng biết bán cho ai. Giờ họ đợi bao giờ đường bay quốc tế mở lại thì bán tiếp để không phải đóng thuế, còn nhiều người không trụ nổi tiền thuê sạp thì trả mặt bằng luôn rồi", chị Tuyết, chủ một sạp vải chia sẻ.
Chợ vắng vẻ đến mức chị Mai - một tiểu thương ở chợ - đùa: "Hôm nay đỡ rồi, nếu đến chợ khoảng hơn một tuần trước chắc sợ ma luôn vì các sạp đóng cửa tắt đèn tối thui, không một bóng người".
Thực tế, thống kê của Sở Du lịch Tp Hồ Chí Minh nêu rõ không có khách quốc tế mới đến Tp Hồ Chí Minh trong tháng 5 vừa qua. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế là hơn 1,3 triệu lượt, giảm 63,17% so với cùng kỳ năm 2019 và chỉ đạt 14,49% kế hoạch năm nay.
Với những cửa hàng còn hoạt động tại khu chợ này, doanh thu 1 tháng sau giãn cách xã hội vừa qua cũng không đủ trang trải chi phí thuê mặt bằng, dù giá thuê đã được chủ mặt bằng xem xét giảm.
Những sạp đóng cửa thường rơi vào trường hợp các tiểu thương đi thuê mặt bằng nên họ không thể duy trì hoạt động vì ế ẩm.
Lãnh đạo chợ này cho biết, những sạp đóng cửa thường rơi vào trường hợp các tiểu thương đi thuê mặt bằng nên họ không thể duy trì hoạt động vì ế ẩm.
Giá cho thuê sạp ở đây dao động 10-20 triệu đồng một tháng, còn giá sang nhượng sạp khoảng 700 triệu đến 1,5 tỷ đồng (tùy diện tích và vị trí).
Chị Khanh, một tiểu thương kinh doanh giày dép, cho biết cuối tuần có thêm một số đoàn khách gia đình từ các tỉnh đến thì có thể buôn bán tốt hơn, còn ngày thường chỉ tiếp chưa đầy 10 lượt khách. Bên cạnh đó, người đến chợ đa số chỉ tham quan và ăn uống chứ không mua sắm nhiều như trước.
"Chợ vắng thêm 1-2 tháng nữa thì chắc tôi cũng nghỉ bán. Mấy hôm nay nhìn người ta đổ hàng thu hồi vốn để trả mặt bằng, tôi sốt ruột lắm. Bán ở đây mấy chục năm không nghĩ sẽ có lúc như bây giờ", chị Khanh nói.
Chị Hồng, tiểu thương kinh doanh đồ nội y cho biết, hơn 20 năm làm nghề chưa bao giờ chị chứng kiến cảnh buôn bán đìu hiu như thời gian này. "Ngày nào bán đắt lắm, doanh thu chỉ 150.000 đồng, có hôm ngồi cả ngày không có khách", chị Hồng nói.
Theo chị, dù buôn bán khó khăn là vậy, nhưng mỗi tháng chị phải "gồng mình" đóng hơn 4 triệu đồng tiền thuế phí chợ. "Tôi vẫn còn đỡ hơn các tiểu thương khác vì đây là sạp của gia đình nên không tốn tiền thuê. Các trường hợp khác họ phải trả thêm tiền thuê sạp nên không trụ nổi đành phải tạm ngưng kinh doanh để chờ du khách quốc tế quay trở lại", chị cho hay.
Cùng chung cảnh ế ẩm, hàng trăm tiểu thương tại chợ cho biết đã gửi văn bản đề nghị lên ban quản lý chợ để được giảm tiền thuế trong thời gian kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của Covid -19. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa có phản hồi. Tháng 5 vừa qua tiểu thương vẫn phải "thắt lưng buộc bụng" để đóng thuế dù doanh thu thấp.
Theo ban lãnh đạo chợ Bến Thành, những tiểu thương đóng sạp cũng đang đăng ký tạm ngưng kinh doanh nên hầu như cơ quan thuế không thu trong thời kỳ này. Riêng với các sạp đang hoạt động bình thường thì vẫn phải đóng thuế và phí." Hiện mức thuế đóng theo quy định Nhà nước, còn phí tại chợ đang dao động 30.000-300.000 đồng. Mức này khá thấp nên Ban quản lý chợ không thể giảm thêm cho tiểu thương", ông nói.
Tuy ế ẩm, nhưng mặt bằng ở đây vẫn chưa hạ nhiệt, một số ki-ốt rộng 1,5-2,5 m2 đang chờ thuê được báo giá 10-20 triệu đồng/tháng.
Tuy vậy, theo khảo sát, giá thuê mặt bằng tại đây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một sạp hàng khoảng 3 m2 ở vị trí góc, gần cửa phía tây (hướng đường Phan Chu Trinh), khu vực vốn được coi là "VIP" bởi lượng người qua lại đông đúc, hiện tìm người cho thuê với giá lên đến 30 triệu đồng/tháng. Còn một số ki-ốt rộng 1,5-2,5 m2 đang chờ thuê được báo giá 10-20 triệu đồng/tháng.
Giá sang nhượng hiện cũng dao động khoảng 0,8-1,5 tỷ đồng/sạp. Mức giá sẽ thay đổi tùy theo khu vực ngành hàng và vị trí sạp.
Những con số này tương đương với thời điểm tháng 9/2019, khi tình hình kinh doanh của các tiểu thương bị ảnh hưởng một phần bởi việc xây dựng tuyến Metro đoạn gần khu vực chợ.
Chợ Bến Thành là khu chợ nổi tiếng và lâu đời tại Tp Hồ Chí Minh, với khoảng 3.000 sạp bán hàng sỉ và lẻ đủ loại. Thông thường, chợ thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm mỗi ngày, chủ yếu là khách du lịch quốc tế.