Để cải thiện biên lợi nhuận, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động cho biết, doanh nghiệp sẽ quyết định ngừng kinh doanh ở Campuchia với 44 cửa hàng; chủ động thu hẹp chuỗi AvaSport; tạm ngưng mở rộng, tập trung giữ những cửa hàng có biên lợi nhuận dương với chuỗi nhà thuốc An Khang và AvaKids. Bên cạnh đó, quy mô nhân sự của công ty đã bị thu hẹp khi chỉ trong vòng 3 tháng, doanh nghiệp này đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, công ty cũng sẽ tập trung tối đa hóa dòng tiền để giảm chi phí tài chính thông qua việc chủ động cải thiện quản lý hàng tồn kho; đầu tư cho các lĩnh vực “hạt giống”; thực hiện tăng vốn cho mảng bách hóa trong quý III/2023; phát hành cổ phiếu; đặt mục tiêu tăng trưởng dương về doanh thu và lợi nhuận ròng trong năm 2023…
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là vấn đề sống còn
Tương tự, Công ty Cao su Hà Nội (HARCO) cũng đang thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, giảm biên chế; không mở rộng đầu tư, tập trung cho những dự án đang triển khai để tránh lãng phí và quay nhanh vốn lưu động. Trong khi đó, Công ty CP Dầu thực vật Tường An đã giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 khi giá nguyên liệu tăng.
Không chỉ cắt giảm chi phí tái cơ cấu hoạt động, một số doanh nghiệp còn triển khai nhiều dịch vụ mới để thu hút khách hàng.
Ở một khía cạnh khác, để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp lại tập trung chuyển đổi số. Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, những doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số khi gặp khủng hoảng có khả năng phục hồi nhanh hơn, lấy lại tốc độ tăng trưởng tốt hơn.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm này. Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ, địa phương chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư các dự án có tác động lớn, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, đối thoại để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông; tập trung cải thiện môi trường đầu tư…
Bên cạnh việc tận dụng các chính sách hỗ trợ hiện hành một cách hiệu quả, một số doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được miễn giảm hoặc gia hạn, giãn đóng một số loại phí về bảo hiểm xã hội để giúp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cùng với đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần rút ngắn thời hạn các khoản thanh toán, giảm các đơn hàng dài hạn vì dễ chịu rủi ro từ tỷ giá hối đoái và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; xây dựng các mối hợp tác hiệu quả hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, doanh nghiệp còn cần mạnh dạn đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư. Mặt khác, cũng cần chú ý đầu tư vào những công nghệ mới…