Đề xuất di dời chỉ là hình thức?
Ngày 31/1/2023, Công ty TNHH Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (Du lịch Thành Thành Công), có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh này về việc di dời bến đỗ, neo đậu bến thuyền Pedalo và các công trình phụ trợ tại khu vực hồ chứa nước Đa Thiện III trong Thung lũng tình yêu, phường 8, TP Đà Lạt.
Theo Du lịch Thành Thành Công, thời gian qua công ty được Trung Quản lý Đầu tư và Khai thác Công trình Thủy lợi Đà Lạt cho thuê khoán mặt nước công trình thủy lợi Hồ Đa Thiện 3 để kinh doanh dịch vụ Pedalo (dịch vụ đạp vịt), số tiền thuê mỗi năm là 330 triệu đồng.
Bến thuyền Pedalo đã hoạt động trong Thung lũng tình yêu thời gian 30 năm
Ngoài ra, hàng năm Du lịch Thành Thành Công thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất, thuê đất mặt nước đóng góp vào ngân sách Nhà nước theo quy định, trong đó, riêng tiền thuê đất mặt nước chuyên dùng là hơn 6 tỷ đồng mỗi năm.
Cho rằng, khu vực bến thuyền đã tồn tại gần 30 năm, hạng mục này đã xuống cấp nhiều và không còn phù hợp với cảnh quan của Thung lũng tình yêu. Từ đó, Du lịch Thành Thành Công xin di dời bến thuyền đến vị trí mới gần khu vực cầu sắt, phía tiếp giáp với Đồi Địa Đàng, cách phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên 200m.
Đề xuất di dời nói trên hiện đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản chấp thuận.
Trên cơ sở đề xuất của Du lịch Thành Thành Công và ý kiến chấp thuận của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 23/2 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn sản bản số 1281/UBND-VX2, chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất tỉnh trước ngày 3/3/2023.
Liên quan đến việc di dời bến thuyền Pedalo, được biết, từ đầu năm 2020, đơn vị cho thuê là Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Công trình Thủy lợi Đà Lạt đã có văn bản số 39/TTQLĐT&KTCTTL đề nghị Du lịch Thành Thành Công di dời bên đỗ, neo đậu Pedalo đến vị trí khác vì vị trí mà công ty này đang khai thác kinh doanh nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (đập đất) thuộc phạm vi không được xâm phạm.
Từ năm 2020, Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Công trình Thủy lợi Đà Lạt đã đề nghị Du lịch Thành Thành Công dì dời bến thuyền Pedalo vì nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (đập đất) thuộc phạm vi không được xâm phạm
Như vậy, nguyên nhân sâu xa của việc di dời bến thuyền Pedalo là do Du lịch Thành Thành Công đề xuất hay do cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng bắt buộc doanh nghiệp phải di dời?
Chiều ngày 27/2, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, bến thuyền Pedalo xuống cấp nên phía doanh nghiệp đề xuất xin di dời đến một vị trí khác.
Phóng viên hỏi: “Vị trí mới được chọn là nơi phù hợp”?
Ông S trả lời: “Tất nhiên vị trí mới được lựa chọn để di dời phải an toàn và phù hợp với cảnh quan”.
Phóng viên tiếp tục hỏi: “Nếu vị trí mới là địa điểm an toàn, tại sao ngay từ đầu các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng không yêu cầu doanh nghiệp chọn địa điểm này? Tại sao lại để doanh nghiệp xây dựng bến thuyền và khai thác kinh doanh đến tận 30 năm trong phạm vi không được xâm phạm”?
Đáp lại, ông S nói ngắn gọn: “Vị trí mới này phải theo sự điều chỉnh của Sở Xây dựng”.
Đến đây cần phải làm rõ, nếu đã là phạm vi “không được xâm phạm”, tại sao chính quyền tỉnh Lâm Đồng “sớm cũng không, muộn cũng không” yêu cầu di dời, mà lại quyết định đúng vào thời điểm Du lịch Thành Thành Công đề xuất di dời khi bến thuyền Pedalo đã xuống cấp và không còn phù hợp với cảnh quan của Thung lũng tình yêu? Phải chăng chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã quá “ưu ái” Du lịch Thành Thành Công?
Chưa kể, UBND tỉnh Lâm Đồng để doanh nghiệp xây dựng và khai thác kinh doanh bến thuyền Pedalo trong suốt 30 năm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (đập đất), thuộc phạm vi không được xâm phạm. Có phải chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên an toàn của công trình thủy lợi hồ chứa nước Đa Thiện III, cũng như an toàn trong công tác quản lý vận hành công trình hồ chứa nước?
Hợp thức hóa công trình vi phạm?
Bên cạnh những “lùm xùm” về bến thuyền Pedalo, năm 2020, Du lịch Thành Thành Công còn bị phanh phui hành vi xây dựng cầu kính không phép tại TTC World - Thung lũng tình yêu.
Theo đó, quy mô công trình cầu kính không phép gồm: 2 mố neo 10x15m, cao 10m; 2 trụ đỡ có kích thước 8x8m, cao 20 và 28m (hiện đang kéo dây neo và kéo dây đáy kính).
Du lịch Thành Thành Công phá thông trong rừng phòng hộ tại Thung lũng tình yêu - Nơi được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1998, để phục vụ xây dựng công trình trái phép
Cũng tại đây, chủ đầu tư còn cho lắp dựng khung sắt lắp ghép nhà chờ rộng 8m, dài 20m, cao 4m. Cầu đáy kính sẽ nối khu vực “vườn cây mê cung” (Khu du lịch Thung lũng tình yêu) với khu vực “vườn thơ Hàn Mặc Tử” (Khu du lịch Đồi mộng mơ) dài 221,5m, rộng 2,09m, khoảng cách giữa hai đỉnh trụ tháp là 255m.
Đáng chú ý, thời điểm đó, cơ quan chức năng TP Đà Lạt còn phát hiện chủ đầu tư đã có hành vi phá rừng trái phép. Doanh nghiệp đã tự ý cho chặt hạ 6 cây thông ba lá có đường kính từ 20 đến 35cm, cao 10m, trên diện tích 270m2 rừng phòng hộ. Toàn bộ số thông mà chủ đầu tư cho đốn hạ đã bị tiêu hủy.
Ngay sau đó, UBND TP Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với Du lịch Thành Thành Công về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, buộc ngừng thi công.
Đồng thời, UBND TP Đà Lạt yêu cầu chủ đầu tư lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Trong thời hạn 60 ngày, nếu chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình.
Tuy nhiên, với lý do công trình sử dụng kỹ thuật xây dựng, công nghệ nước ngoài và phải có đội ngũ thi công, giám sát trình độ cao để thực hiện. UBND TP Đà Lạt cho doanh nghiệp ngừng tháo dỡ. Đáng nói, TP Đà Lạt cho tạm dừng cũng như gia hạn thời gian tháo dỡ nhưng không có thời gian chấm dứt gia hạn.
Bất ngờ chưa dừng lại, khi ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có văn bản gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thỏa thuận điều chỉnh quy hoạch cục bộ Thung lũng tình yêu, bổ sung cầu đáy kính - công trình được xác định là công trình trái phép trên đất rừng thuộc danh thắng cấp quốc gia - vào phần điều chỉnh của quy hoạch.
UBND tỉnh Lâm Đồng thể hiện quan điểm về một công trình vi phạm: "Đây là hạng mục có hình dáng kiến trúc, kết cấu hiện đại, chức năng là "cầu cảnh quan" dành cho người đi bộ ngoạn cảnh…”, gây khó hiểu cho dư luận. Và đến nay, việc chính quyền tỉnh Lâm Đồng xử lý các sai phạm chặt phá thông trong rừng phòng hộ, xây dựng xây "lụi" cầu đáy kính không phép của Du lịch Thành Thành Công như thế nào, vẫn là vấn đề được dư luận quan tâm (?!)
Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.