Nhiều dự án của TTC Land nằm trong diện thanh tra
Theo kế hoạch năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra các lĩnh vực quy hoạch và quản lý quy hoạch; các công trình, dự án giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn; các công trình dân dụng công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, vật liệu xây dựng, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản… phòng chống tham nhũng, tiếp công dân và xử lý đơn thư.
Đặc biệt, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại hàng chục dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên cả nước. Trong đó, có Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, tiền thân là Sacomreal) với nhiều dự án bị thanh tra như Carillon 5, Khu phức hợp thương mại dịch vụ nhà ở xã hội Jamona City, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở Jamona Golden Silk, Khu phức hợp văn phòng thương mại dịch vụ TTC Plaza Bình Thạnh, Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ văn phòng Jamona Heights.
Trong danh sách này, có ít nhất 3 dự án đã được TTC Land cầm cố cho ngân hàng. Cụ thể, dự án Carillon 5 (số 291/2 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú) đang được TTC Land cầm cố tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong Chi nhánh TP HCM trong hợp đồng số 320/2018/HDBD/PLD/01 ký tháng 4/2018. Dự án này sắp bàn giao cho khách hàng nhưng đến nay vẫn chưa được giải chấp.
Dự án Carillon 5 đang hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao nhưng vẫn chưa được giải chấp. |
Đồng thời, Khu phức hợp văn phòng thương mại dịch vụ (TTC Plaza Bình Thạnh, 26 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh) cũng được TTC Land mang đi thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh quận 1. Ngoài những dự án trong diện thanh tra, TTC Land còn cầm cố nhiều hợp đồng mua bán với khách hàng tại khu Panoramic (đường Nguyễn Thông, phường Phú Hải, TP Phan Thiết, Bình Thuận).
Khách hàng gặp nhiều rủi ro
Theo luật sư Trương Minh Hiếu (Văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Luật): “Ở Việt Nam, người mua nhà hình thành trong tương lai gặp nhiều rủi ro vì chủ đầu tư vừa vay tiền ngân hàng vừa huy động vốn từ khách hàng. Dòng tiền của người mua nhà hình thành trong tương lai không được cơ quan nào giám sát minh bạch dẫn đến chủ đầu tư có thể sử dụng nguồn vốn sai mục đích, có khả năng đầu tư nhiều dự án cùng lúc”.
Theo khoản 1 Điều 47 Luật Nhà ở, chủ đầu tư phải giải chấp nhà ở trước khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng, trừ trường hợp được khách hàng và ngân hàng đồng ý. Trong đó, giải chấp được hiểu là giải trừ thế chấp với tài sản đang ở ngân hàng. Ngoài ra, theo Điều 1 Nghị định 99/2005/NĐ-CP cũng quy định người mua nhà và ngân hàng vẫn có thể thống nhất về việc không cần giải chấp và khi đó dự án vẫn được phép mua bán.
“Sau này, nếu xảy ra tranh chấp, chính khách hàng phải khởi kiện chủ đầu tư trong một vụ án dân sự để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình”, luật sư Hiếu cho biết.
Khách hàng nên cẩn trọng khi quyết định mua nhà ở hình thành trong tương lai. Chẳng ai muốn căn hộ hay đất, nhà ở trong dự án của mình mua bị chủ đầu tư cầm cố tại ngân hàng. Trong khi đó, chuyện cầm cố này thường chỉ chủ đầu tư và ngân hàng nắm rõ chứ ít khi công khai thông tin cho khách hàng.