Tại Mỹ, chặng đua nước rút nhằm phê chuẩn hay không phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra rất sôi động giữa những người ủng hộ và phản đối TPP, có tác động sâu sắc không chỉ đối với đường lối kinh tế của nước này mà cả sự phồn vinh của châu Á trong tương lai.
Hiệp định TPP bị phản đối bởi cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump (đảng Cộng hòa) và Hillary Clinton (đảng Dân chủ). Trong khi đó, Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đang có những nỗ lực quyết liệt vào phút cuối để hiệp định này được phê chuẩn trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ và rời Nhà Trắng vào ngày 20-1-2017.
Nỗ lực vào phút cuối
Báo chí Mỹ cho biết, hôm thứ Sáu tuần trước 16-9, ông Obama đã chủ động tổ chức một cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng với nhóm các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp lưỡng đảng để chuẩn bị quảng bá công khai những lợi ích mà TPP sẽ mang lại cho nước Mỹ và đề ra một kế hoạch vận động Quốc hội Mỹ thông qua hiệp định này.
Bà Clontin rất mâu thuẫn khi trước đó ủng hộ TPP, nay kịch liệt phản đối! |
Ngay sau cuộc gặp, hai thành viên quan trọng của nhóm là ông Michael R. Bloomberg - doanh nhân, nhà sáng lập và sở hữu mạng tin tức kinh tế Bloomberg, nguyên thị trưởng thành phố New York ba nhiệm kỳ - và ông Thomas J. Donohue, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ, đã cùng chấp bút một bài phân tích đăng trên Bloomberg dưới tiêu đề: “Giúp công nhân Mỹ, hãy thông qua TPP” (*). Nội dung của bài báo tất nhiên là đề cao những tác động tích cực của TPP đối với kinh tế Mỹ trong thời đại toàn cầu hóa và phản bác lập luận của những người chống đối thông qua các số liệu và dẫn chứng cụ thể. Nội dung này nhận được sự tán đồng của một số chính trị gia nổi tiếng trong nhóm như ông John Kasich, Thống đốc bang Ohio và cũng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ trước khi bị ông Donald Trump đánh bại trong hội nghị sơ bộ của đảng Cộng hòa.
Cuộc gặp này diễn ra chỉ vài ngày sau khi ứng cử viên Donald Trump đọc diễn văn tại Câu lạc bộ kinh tế New York, trong đó ông Trump trình bày tóm tắt đường lối kinh tế tương lai của ông. Một trong những quan điểm nền tảng của ông Trump là xé bỏ các hiệp định thương mại “kinh khủng” và “đưa nước Mỹ ra khỏi TPP”.
Bà Hillary Clinton thì phức tạp hơn: khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton đã giúp đàm phán TPP với nhận định TPP là “tiêu chuẩn vàng” cho thương mại thế giới; nhưng nay bà “xoay trục” với tuyên bố nếu đắc cử tổng thống bà sẽ chống lại TPP. Tuy nhiên, các cố vấn tranh cử của bà Clinton nói rằng, bà “sẽ không phản đối” nếu TPP được đưa ra biểu quyết tại kỳ họp “vịt què” (lame-duck session) của Quốc hội Mỹ - sẽ diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11 và trước khi Quốc hội mới ra mắt vào cuối tháng 1-2017.
Người dân Mỹ phản đối TPP. |
Mà đưa TPP ra biểu quyết trong kỳ họp cuối năm nay của Quốc hội Mỹ là kế hoạch của Tổng thống Obama sau năm năm đàm phán căng thẳng với 11 nước đối tác. Bất chấp sự phản đối ồn ào của các ứng cử viên tổng thống, vào giữa tháng trước Nhà Trắng đã gửi văn bản chính thức tới Quốc hội Mỹ, thông báo Tổng thống Obama sẽ đưa TPP, dài hơn 5.554 trang, ra Quốc hội biểu quyết trước cuối năm nay. Theo điều luật về quyền đàm phán nhanh (TPA) mà Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái, Nhà Trắng phải thông báo trước cho Quốc hội ít nhất 30 ngày và Quốc hội Mỹ chỉ có thể phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hiệp định chứ không có quyền sửa chữa những điều khoản trong nội dung hiệp định.
Cuộc họp ở Nhà Trắng hôm thứ Sáu tuần trước được coi là bước mở đầu cho hàng loạt nỗ lực cuối cùng và có tính quyết định của ông Obama để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua TPP.
Tại sao phản đối TPP?
Đáp lại bước đi của Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ nhiều lần nói rằng, họ không có kế hoạch xem xét cái gọi là “tự do thương mại” trong các kỳ họp cuối cùng trước ngày bầu cử. Nên để ý rằng, trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11 sắp tới, cử tri Mỹ không chỉ đi bỏ phiếu bầu ra vị tổng thống mới mà còn bầu lại một nửa số đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các bang.
Cho đến nay, sự phản đối TPP trong Quốc hội Mỹ chủ yếu đến từ các nghị sĩ đảng Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa. Lập luận chính của những người này là TPP sẽ mở cửa thị trường Mỹ cho hàng hóa của các nước đối tác, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa người lao động Mỹ và lao động của các nước thành viên TPP, từ đó dẫn tới tình trạng công việc làm chảy ra nước ngoài, người lao động Mỹ bị mất việc và lương bổng bị cắt giảm. Trên trang The Hill của Quốc hội Mỹ, Dân biểu liên bang John Conyers, đảng Dân chủ, bang Michigan, tóm tắt lý do phản đối TPP như sau: “TPP lấy lợi ích của giai cấp trung lưu để trao vào tay các tập đoàn đa quốc gia; đặt người lao động Mỹ đối lập với lao động nước ngoài, gia tăng lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia trong khi gây áp lực giảm lương của người lao động. Nó cho phép các tập đoàn dầu khí khởi kiện chính phủ tại các tòa án tư nhân để đảo ngược các chính sách bảo vệ môi trường, cho các tập đoàn dược phẩm được bảo hộ sự độc quyền trong khi người bệnh phải mua thuốc với giá cao chót vót...”.
Tuy nhiên, lập luận này đã nhiều lần bị các chuyên gia kinh tế bác bỏ. Sự chuyển dịch sản xuất công nghiệp và dòng vốn từ Mỹ sang các nước châu Á như Trung Quốc là có thật, các nhà máy ở Mỹ đóng cửa là có thật nhưng nguyên nhân chính là toàn cầu hóa, tiến bộ công nghệ làm thay đổi bản chất của hoạt động kinh tế chứ không phải do tự do thương mại; dù Mỹ có ký TPP hay không thì những công việc không đòi hỏi tay nghề cao trong các nhà máy của Mỹ cũng vẫn được chuyển ra nước ngoài. Chưa kể rằng, TPP sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ các nước thành viên sẽ được giảm thuế, người tiêu dùng nghèo ở Mỹ sẽ có lợi và tiết kiệm được nhiều hơn so với hiện nay.
Nguyên nhân sâu xa và ít được nói tới đằng sau sự phản đối TPP của các nghị sĩ Mỹ là họ cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa.
Cho đến nay, tuy TPP được nói tới như một hiệp định thương mại tự do nhưng nội dung hiệp định cho thấy TPP là một hiệp định toàn diện, tác động không chỉ về thương mại mà cả chủ quyền quốc gia của 12 nước thành viên. Khi có hiệu lực, TPP sẽ lập ra một Ủy ban Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TransPacific Partnership Commission -TPPC) có nhiệm vụ giám sát việc thực thi các điều khoản của hiệp định. Ủy ban quốc tế này có thẩm quyền điều hành gần như mọi chính sách kinh tế thương mại liên quan tới lĩnh vực di cư, thực phẩm, năng lượng, dược phẩm, Internet, lao động, sở hữu trí tuệ và giao dịch thương mại... trong phạm vi 12 nước thành viên. Hệ thống pháp luật của các nước thành viên phải được điều chỉnh để tương thích với hiệp định và từ đó về sau, mọi luật lệ ban hành đều không được trái với tinh thần của TPP. Các thành viên TPP dự kiến có quyền biểu quyết ngang nhau, bình đẳng trong TPPC cho dù quy mô kinh tế của một số thành viên như Việt Nam, Brunei... chỉ tương đương vài phần trăm so với quy mô kinh tế Mỹ. Theo hiệp định, Quốc hội Mỹ sẽ không có vai trò gì trong việc soạn thảo hoặc phê chuẩn các quy định mà TPPC viết ra.
Do vậy, nhiều nghị sĩ Mỹ lo ngại thẩm quyền của TPPC sẽ vượt quá Quốc hội Mỹ, “chia cắt người dân Mỹ với những quyết định chính sách có ảnh hưởng tới cuộc sống của họ và do đó TPP là mối đe dọa trực tiếp tới chính thể dân chủ đại diện và trách nhiệm giải trình” như lời Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, đảng Cộng hòa, bang Alabama, nói trên trang mạng wnd.com.
Chính vì thế, trước khi bấm nút thông qua TPP, Quốc hội Mỹ muốn “sửa chữa” nội dung hiệp định để hạn chế bởi thẩm quyền của TPPC; nhưng rất tiếc, điều luật TPA nói trên cũng như ý chí của 11 nước thành viên khác đều không cho phép sửa đổi nội dung hiệp định đã được các bên ký kết tháng 11 năm ngoái.
Niềm hy vọng mong manh
Tổng thống Obama và những người ủng hộ TPP đều biết TPP là một “hiệp định kiểu mới” của thế kỷ 21, sẽ “viết lại luật lệ cho nền kinh tế toàn cầu” như lời ông Obama. Hơn thế nữa, trước sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc, Chính phủ Mỹ đã đưa TPP thành một bộ phận của chiến lược “xoay trục” sang châu Á, nhằm duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ cả về kinh tế lẫn chính trị và an ninh.
Chính vì thế, trong lúc chính trường Mỹ bị phân cực sâu sắc, cuộc tranh luận về TPP diễn ra gay gắt, ông Obama vẫn kiên quyết đẩy mạnh việc phê chuẩn TPP. Nỗ lực đưa TPP ra xem xét và biểu quyết trong kỳ họp “vịt què” cũng được coi là nước cờ khôn ngoan và đầy toan tính của một chính trị gia lão luyện. Tại kỳ họp này, các nghị sĩ đã bị “thất cử” và sẽ rời đồi Capitol vào đầu tháng 1-2017 sẽ có cơ hội cuối cùng để bỏ phiếu “thuận” mà không phải lo lắng về trách nhiệm; các nghị sĩ mới được bầu ngày 8-11 thì chưa có tiếng nói, còn các nghị sĩ “tái đắc cử” cũng sẽ bỏ phiếu thuận mà không lo ngại bị cử tri “trừng phạt” mà lại lấy lòng được các nhà tài trợ vốn là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.
Lãnh đạo 11 nền kinh tế thành viên TPP còn lại ngoài Mỹ đều đã lên tiếng thúc giục Quốc hội Mỹ phê chuẩn hiệp định TPP, “vì lợi ích lâu dài của nước Mỹ cũng như của toàn vùng châu Á-Thái Bình Dương” như lời Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull mới đây bên lề hội nghị Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, hay “đừng để lỡ mất cơ hội hợp tác” như lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói với báo Caijing Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng, cơ hội thông qua TPP tại Quốc hội Mỹ trước cuối năm nay là “rất mong manh”; và quốc hội một số quốc gia đã quyết định lùi việc xem xét phê chuẩn TPP vào thời gian tới để chờ kết quả biểu quyết tại Quốc hội Mỹ.