Ai mới là kẻ chịu ơn?
Ông Tạ Long Hỷ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho rằng, kinh doanh vận tải hành khách là dịch vụ liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy, pháp luật Việt Nam quy định đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định mới được hoạt động, chứ không phải bất cứ ai có ô tô là có quyền đón chở khách lấy tiền. Nhưng luật còn nhiều “lỗ hổng” cho nên Grab vẫn đang làm khuynh đảo thị trường dịch vụ vận tải, với danh nghĩa công ty công nghệ. Chỉ riêng loại hình GrabCar, hiện đã có 80.000 xe ô tô đang là đối tác của Grab. Vì thế, Grab bị Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) khởi kiện.
![]() |
Grab đang phá vỡ cấu trúc ngành dịch vụ vận tải, độc chiếm thị trường. |
Tại phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Vinasun và Grab mới đây, ông Jerry Lim (người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Grab Việt Nam) khẳng định như để kể công rằng, Grab đã tạo ra công ăn việc làm cho 175.000 lao động là lái xe GrabCar và GrabBike. Nhưng thử đặt câu hỏi ngược lại, nếu không có 175.000 người này thì Grab sẽ vận hành kinh doanh bằng cách nào? Vì thế, Grab không phải kẻ ban ơn cho tài xế, mà phải nghĩ điều ngược lại. Để trở thành đối tác của Grab, các tài xế đã đánh đổi quá nhiều cả về công sức lẫn tiền bạc. Họ sẵn sàng “cầm dao đằng lưỡi”, cầm cố nhà đất, vay nợ ngân hàng, để mua phương tiện chạy Grab.
Việc Grab đẩy mạnh kinh doanh cũng có nghĩa là quy mô công ty này sẽ mở rộng, lượng tài xế mang hình ảnh của Grab sẽ đông hơn, lượng phương tiện lăn bánh trên đường cũng tăng thêm nhiều. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vốn đã quá tải về hạ tầng giao thông, kẹt xe tắc đường liên miên, nay cảnh tượng đó lại diễn ra trầm trọng hơn khi có thêm hàng chục nghìn phương tiện giao thông gia nhập đối tác của Grab. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp thêm đến trật tự an toàn giao thông như: Vi phạm luật, va chạm, tai nạn và ùn tắc giao thông? Cơ cấu nền kinh tế cũng gián tiếp bị ảnh hưởng khi tài xế từ bỏ công việc ở các công ty, xí nghiệp, công sở… để chuyển sang chạy Grab, mà không hề có chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay bảo hiểm thất nghiệp?
Tài xế đến với Grab với tư cách là đối tác (góp cả sức lao động và phương tiện), không phải kẻ làm thuê. Vì vậy, hành động đơn phương khóa vĩnh viễn tài khoản của đối tác chỉ làm cho hình ảnh của Grab ngày càng xấu đi. Vì, Grab đã dày công xây dựng được một đội ngũ tài xế hùng mạnh, không có một đối thủ nào theo kịp cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng không vì thế mà Grab tự thỏa mãn. Công ty này vẫn lấy tiềm lực tài chính mạnh để “đè” các đối thủ phía sau, thậm chí là chấp nhận lỗ lũy kế nhiều năm liền để độc chiếm thị phần ngành dịch vụ vận tải?
Chiến thuật “lấy thịt” đè người
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn từ năm 2014-2017, Grab báo lỗ 1.726 tỉ đồng, chủ yếu là tiếp thị và quảng cáo và chi phí thưởng cho lái xe và trong giai đoạn này, doanh thu thấp hơn quảng cáo. Cụ thể, vào năm 2017, doanh thu chỉ 758 tỉ còn lỗ 747 tỉ đồng và trước đó cũng thế. Khi vào Việt Nam, Grab muốn thị trường Việt Nam hiểu về nền tảng kinh doanh của Grab. Cụ thể, Grab sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền ra để đầu tư và vừa nhận thêm “món quà” 1,6 tỷ USD đầu tư từ quỹ Vision của SoftBank. Đây là một lợi thế quá lớn để Grab có thể áp đặt “lối chơi” lên các đối thủ cạnh tranh.
![]() |
Dự thảo Nghị định 86 nêu: Loại hình xe ứng dụng công nghệ như Grab chính là loại hình taxi, phải chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi là “xe hợp đồng điện tử” để lách luật, trốn thuế, né nhiều chi phí và hưởng ưu đãi hơn so với taxi truyền thống. |
Trên thị trường, đối thủ lớn nhất của Grab là Go-Jek, thông qua đối tác nội là Go-Viet. Với sự hậu thuẫn tài chính và công nghệ của Go-Jek, Go-Viet muốn trực tiếp “so găng” với Grab. Họ cũng dùng chiến thuật “đốt tiền” vào chiêu tiếp thị, khuyến mại cho khách hàng, thưởng tài xế. Và Go-Viet đã thành công, với 1,5 triệu lượt tải và đạt 35% thị phần tại TP Hồ Chí Minh. Hiện Go-Viet cung cấp nhiều dịch vụ như: Go-Bike, Go-Send, Go-Food, phục vụ làm đẹp tại nhà, gọi nhân viên massage, đi chợ hộ, dọn nhà…
FastGo cũng tham gia thị trường taxi công nghệ, với quyết tâm bám đuổi Grab. Chỉ sau 3 tháng chính thức hoạt động, FastGo cũng ghi nhận gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cùng với Vinasun và Mai Linh, Phương Trang cũng đầu tư lớn, với số tiền cả 100 triệu USD vào ứng dụng Vivu (đổi tên thành VATO), để cạnh tranh với Grab. VATO với lượng xe hơi đăng ký hiện tại trên 2.000 xe. Giá cước của VATO ở mức 8.500 đồng/km tương tự như GrabCar nhưng phần chiết khấu là 20%, thấp hơn 25% của Grab hiện tại. Ngoài ra, VATO còn là một phần mềm thương mại điện tử với nhiều tính năng khác, tức nó như một sàn giao dịch thương mại điện tử về vận tải, dịch vụ, hàng hoá…
Vì sao nói Grab "cản trở" chiến lược phát triển đô thị?
(Tieudung.vn) - Cơ thể sống đô thị dựa trên hệ thống cấu trúc 3 hạ tầng. Đó là sự tác động qua lại của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hệ thống hạ tầng kinh tế. Sự xuất hiện của Grab (Công ty TNHH Grab Việt Nam) - một ứng dụng vận tải công nghệ như “luồng gió 4.0” thổi vào hạ tầng kinh tế, tạo ra nhiều trải nghiệm cho người dùng và khách hàng nhưng cũng gây ra nhiều xáo trộn cho hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, tức là sự quá tải về phương tiện giao thông ở các đô thị lớn… |
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Công Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, các Hiệp hội taxi có rất nhiều văn bản kiến nghị đến các bộ, ngành đề nghị xem xét đúng loại hình kinh doanh như Grab để đưa ra chính sách quản lý cho đúng với thực tế, tránh đánh tráo khái niệm, cố tình ngụy biện xếp sai loại hình, gây bất bình đẳng vì lợi ích nhóm.
Vừa qua, Tổ công tác Chính phủ yêu cầu quản lý chặt kinh doanh taxi công nghệ như taxi truyền thống. Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Theo đó, luật Giao thông đường bộ quy định rõ có 5 loại hình vận tải hành khách bằng ôtô. Nghị định quy định cụ thể về 5 loại hình vận tải này. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định vẫn chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về 5 loại hình trên, đặc biệt chưa định nghĩa đúng về taxi và “xe hợp đồng điện tử”.
Hiện tại, dự thảo Nghị định 86 nêu: “Kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hàng hóa, quyết định giá cước”. Vì thế, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ, loại hình xe ứng dụng công nghệ như Grab chính là loại hình taxi, phải chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi là “xe hợp đồng điện tử” để lách luật, trốn thuế, né nhiều chi phí và hưởng ưu đãi hơn so với taxi truyền thống.
Grab vẫn khẳng định không kinh doanh vận tải nhưng thực tế công ty này đã phá vỡ cấu trúc ngành dịch vụ vận tải, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động là tài xế.