Bài 1: Nhiều vấn đề xã hội phát sinh từ hoạt động của Grab
Công ty TNHH Grab Việt Nam khoác lên mình chiếc áo “công nghệ”, với lời hứa sẽ “nỗ lực mang đến cuộc sống an toàn hơn mỗi ngày”. Hiện Grab có khoảng 200 nghìn tài xế (đối tác của Grab), có nhiều người đã tin vào lời hứa đó, mà phá bỏ nhiều giấc mơ dang dở. Nhưng Grab đã “lật kèo” với nhiều đối tác, khiến cuộc sống có phần sung túc của họ thành bấp bênh…!
Tài xế tan vỡ giấc mơ
Thế Thiện (SN 1981, ngụ thị trấn Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) - Một cử nhân kinh tế là Trưởng phòng tổ chức của một công ty ngành may mặc. Tiền lương từ công việc này dù không mang lại sự giàu có nhưng cũng bảo đảm sự sung túc cần thiết cho gia đình nhỏ của Thiện. Lẽ ra, Thiện còn đang phấn đấu, theo đuổi giấc mơ trở thành quản lý của doanh nghiệp nơi anh đang làm việc. Nhưng không biết bằng cách nào đó, Thiện đã đi theo tiếng gọi của Grab. Anh mạo hiểm “gõ cửa” ngân hàng, vay 80% vốn mua một ô tô với giá 700 triệu đồng để nhập đội tài xế Grab.
Thiện bắt đầu công việc của một GrabDriver bằng ly cà phê thảnh thơi vào mỗi buổi sáng. Cảm hứng công việc mới mẻ này đã mang đến cho Thiện nguồn thu nhập khá cao, khoảng 30 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các loại chi phí như: xăng, phí cầu đường, bảo dưỡng… thì cũng còn dư khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Thiện cũng sớm kết thúc “tuần trăng mật” của mình với Grab một cách chóng vánh, chỉ với hai tháng ngắn ngủi. Grab đã quy trách nhiệm cho anh vì phục vụ khách không tốt, đã vi phạm bộ quy tắc ứng xử GrabCar về hủy chuyến, mà không cho anh có cơ hội phản hồi nguyên nhân. Thế là Thiện đành kiện Grab ra tòa án để làm rõ trắng đen.
Anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1977, ngụ huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) - Một đối tác khác của Grab cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Thiện. Theo Hưng, đừng chỉ nhìn Grab với vẻ “bóng bẩy” bề ngoài. Ứng xử nội bộ của công ty cũng có nhiều vấn đề như: Grab cố tình "làm khó" tài xế ở những cuốc đón khách cự ly xa, chiết khấu thấp. Hệ thống của Grab chỉ định các lái xe phục vụ yêu cầu gọi xe của khách hàng. Trong trường hợp không nhận khách với một tỷ lệ nhất định, tài khoản của đối tác lái xe sẽ bị khóa và không được hoạt động; Grab chính là đơn vị quyết định giá cước chuyến đi theo thời điểm, dẫn đến tài xế ít nhận được khách trong giờ cao điểm.
Grab yêu cầu tài xế phải tuân theo bộ quy tắc ứng xử GrabCar như một nghĩa vụ bắt buộc trong hợp đồng, nhưng không đề cập đến quyền lợi hợp pháp của tài xế trong quá trình là đối tác. Dù tài xế đã nhiều lần phản ánh, góp ý kiến, mong muốn đối thoại tìm giải pháp giải quyết hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của nhau nhưng Grab chỉ…im lặng phớt lờ.
Cách ứng xử này có thể tác động tiêu cực đến lợi ích của hàng chục nghìn tài xế khác đang là đối tác của Grab.
Grab xây mộng bá vương
Thật ra, chuyện Grab khóa tài khoản vĩnh viễn của nhiều tài xế là nhằm hạn chế rủi ro, sàng lọc và kiểm soát chất lượng phục vụ. Vì, để thâu tóm thị phần ngành dịch vụ vận tải, Grab đã không ngừng “phát triển theo chiều rộng”. Nghĩa là ban đầu, với các điều kiện hợp tác đơn giản nhưng lợi ích lớn, Grab tung ra chiến lược “kết nối” với càng nhiều tài xế càng tốt, đồng thời tận dụng được “đòn bẩy tài chính” của đối tác mà không mất phí vốn huy động (vay từ các tổ chức tín dụng hoặc từ các đối tác). Sau khi xây dựng đội ngũ tài xế lớn mạnh, Grab bắt đầu “chiến dịch” thanh lọc, chỉ giữ lại những đối tác chấp nhận phần thiệt thòi về mình.
Khi Grab chuyển sang “chiến lược phát triển theo chiều sâu”, thay đổi chính sách ứng xử thì nghĩa vụ của các tài xế sẽ tăng lên, tiền sẽ chảy về tài khoản của Grab nhiều hơn (tăng chiết khấu từ 25% thành 28,6%) và thu nhập của tài xế sẽ giảm đi nhiều sau khi trừ các khoản chi phí, lãi suất ngân hàng…
Sau hơn 5 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, tuy mới chỉ được phép thí điểm ở 5 tỉnh thành phố nhưng danh mục dịch vụ của Grab đã có: Grabtaxi, GrabCar, GrabBike, GrabExpress, GrabShare, JustGrab, Rent, Food và hoạt động ra nhiều các tỉnh thành khác. Đến nay, Grab đã chiếm được phần lớn thị phần ngành dịch vụ vận tải, đặc biệt là "loại bỏ" được đối thủ lớn như Uber. Trong khi đó, các đối thủ truyền thống (xe ôm, taxi) còn vật lộn với “bài toán” khó khăn về thu nhập, lương bổng và các loại bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập… thì Grab đã nghĩ đến xây dựng một “hệ sinh thái thương mại” của riêng mình.
Để mộng bá vương, Grab đã quy tụ được khoảng 200 nghìn tài xế tham gia trở thành đối tác, bằng cách dùng thuật “trói chân” như: Thủ tục tham gia đơn giản, lợi ích lớn, chiết khấu cao trong thời gian đầu hợp tác. Khi lượng tài xế đông đảo, Grab sẽ “sàng lọc” bằng cách đưa ra các quy chế có lợi cho mình, để loại bỏ các tài xế bị cho là “vi phạm”. Thế là những tài xế như Thiện bị đẩy đuổi ra đường, phải đối diện với nợ nần và cuộc sống bấp bênh phía trước.
Nhưng cũng phải công bằng với Grab, thời gian gần đây hàng trăm tài xế GrabBike tắt ứng dụng, đình công để phản đối mức tăng chiết khấu của hãng, rồi đến chuyện thất nghiệp, phức tạp về an ninh cuộc sống, trật tự an toàn giao thông… Điều này đều có trong dự liệu từ trước của Grab?
Để một dự án kinh doanh thành công cần nhiều yếu tố nhưng cơ bản nhất vẫn là: Con người, tài chính và công nghệ. Grab đã thành công khi mang đến giải pháp về công nghệ và tận dụng quá tốt nguồn lực sẵn có là con người và tài chính. Nói cách khác, thành công của Grab có phần không nhỏ của các tài xế (đối tác của Grab) cả về công sức lẫn tài chính.
Vậy mà, vì tham vọng “độc bá” trên thương trường, Grab sẵn sàng “siết chặt” thu nhập hoặc loại bỏ những “công thần” đã đóng góp nhiều vào thành công của Grab hôm nay. Chuyện đó chẳng có gì sai về luật nhưng lại gây ra hệ lụy quá lớn về an sinh xã hội…
(Còn nữa)