Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh về tình hình xử lý vi phạm hành chính giai đoạn từ tháng 7/2013 đến tháng 12/2019, ông Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP cho rằng, hoạt động đầu nậu và bảo kê trong xây dựng ở các quận, huyện diễn ra vô cùng ghê gớm.
Theo ông Nghĩa, đầu nậu xây dựng các ngôi nhà không phép rồi mang đi bán cho người nghèo, công nhân lao động… Sau khi giao dịch thành công thì bỏ đi. Hậu quả phát sinh, người dân nghèo phải gánh.
Cụ thể, báo cáo của Sở Xây dựng TP cho thấy tình hình thực hiện luật Xử lý vi phạm hành chính giai đoạn từ tháng 7/2013- 12/2019 cho thấy, trên địa bàn TP còn tồn đọng gần 4.700 trường hợp có quyết định xử phạt hành chính nhưng chưa thi hành xong. Trong số đó, có khoảng 40% chưa đóng tiền nhưng đã cưỡng chế, 30% chưa cưỡng chế nhưng đã đóng tiền. 30% còn lại chưa thi hành thu tiền và cưỡng chế.
Không những vậy, tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt còn rất thấp, khi từ năm 2013 - 2017 đạt trên 55%, nhưng giai đoạn từ năm 2018 - 2019, tỷ lệ này chỉ còn dưới 50%.
Nguyên nhân được Sở Xây dựng TP đưa ra là do các đối tượng vi phạm không có khả năng nộp phạt; việc cưỡng chế tháo dỡ công trình phức tạp, dễ gây mất an ninh trật tự nên UBND cấp huyện, xã chưa quyết liệt thực hiện; cán bộ, công chức sai phạm, bao che…
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên nhận định có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
Thứ nhất là tốc độ đô thị hóa cao và nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn. Thứ hai là có sự bất cập về quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất tại các quận, huyện. Thứ ba là ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao trong khi chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.
Phó giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Xây dựng và nghị định xử phạt văn phòng hành chính trong lĩnh vực xây dựng, Sở Xây dựng TP sẽ có văn bản gửi đoàn Đại biểu Quốc hội để góp ý thay đổi luật và nghị định sắp tới.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, việc xử phạt hành chính phải làm nhanh, nghiêm và đúng với quy định của pháp luật. Sau khi xử phạt mà đối tượng không chấp hành thì cần phải tăng mức xử phạt. Các cơ quan chức năng cũng cần tiến hành cưỡng chế, cần thiết phải chuyển cơ quan điều tra để xem xét khởi tố, xử lý hình sự.
“Xây dựng không phép, sai phép hiện nay rất đáng lo ngại. Số vụ vi phạm của năm 2019 được báo cáo giảm, nhưng việc giảm này không bền vững. Nguyên nhân là áp lực nhà ở hiện này là rất lớn… Nếu không làm nghiêm thì sẽ khó giảm bền vững”, ông Nghĩa nói.