Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa thông tin về tình hình phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân trên địa bàn TP. Trong đó, Sở Xây dựng có nêu rõ những điều kiện, tiêu chí để các chủ đầu tư dự án, người mua nhà tham khảo và đăng ký tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/2023 của Chính phủ.
Theo đó, tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo quy định pháp luật về nhà ở.
Ngoài ra, còn có các cá nhân tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phải thuộc trường hợp mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp) theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
Với đối tượng cá nhân còn gồm các trường hợp mua nhà ở tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại Nghị định số 69/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Cụ thể, chủ sở hữu nhà chung cư được bố trí tái định cư mà phải nộp thêm tiền chênh lệch diện tích thì được vay vốn tại tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
Gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng dù đã triển khai được hai tháng nhưng chưa có dự án nào để cho vay, theo Bộ Xây dựng
Bên cạnh việc đảm bảo các điều kiện, tiêu chí theo quy định pháp luật về tín dụng do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thì đối tượng được vay chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chí khác.
Đối với đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định pháp luật về nhà ở.
Đối với đối tượng được bố trí tái định cư trong dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì phải có hợp đồng mua, nhà ở, công trình xây dựng bố trí tái định cư theo quy định pháp luật về nhà ở.
Trong khi đó, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư phải có trong danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cải tạo, xây dựng lại chung cư do UBND cấp tỉnh công bố và phải đảm bảo các điều kiện khác theo hướng dẫn.
Sở Xây dựng nhấn mạnh, các thông tin về điều kiện, đối tượng, tiêu chí đã rõ ràng. Vì vậy, đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư có nhu cầu vay vốn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng gửi văn bản (kèm hồ sơ pháp lý) về Sở Xây dựng (địa chỉ 60 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3) để tổng hợp báo cáo UBND TP theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Trong quá trình chờ đợi doanh nghiệp đăng ký, Sở Xây dựng cũng rà soát danh mục các dự án đủ điều kiện để xử lý bước đầu.
Riêng về tình hình phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân trên địa bàn TP, Sở Xây dựng cho biết, từ năm 2006 đến năm 2020, TP có 31 dự án nhà ở xã hội đã hoàn tất xây dựng và đưa vào sử dụng, cung ứng 18.840 căn hộ. Trong đó, 2016-2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ nhất với tổng nguồn cung gần 15.000 căn hộ. Đến tháng 3/2022, có thêm 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 260 căn hộ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Hiện trên địa bàn TP có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với tổng quy mô 6.383 căn hộ. Trong đó có 5 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020. Riêng trong năm 2022, TP đã động thổ 4 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân giai đoạn 2021-2025 là 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn). Tuy nhiên, mặc dù đã hết gần nửa nhiệm kỳ, đến nay mới chỉ có 1 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn hộ và 7 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân đang triển khai với quy mô 5.117 căn hộ.
Như vậy, từ nay đến cuối năm 2025 (còn hơn 2 năm), TP còn phải phát triển thêm 29.623 căn hộ. Trường hợp không quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân thì thành phố sẽ không có dự án đủ điều kiện để hấp thụ gói tín dụng 120.000 tỷ theo Nghị quyết số 33.
Sở Xây dựng nhận định, hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp với nhiều khó khăn, vướng mắc.