Mới đây, HoREA đã có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị để ngăn ngừa lợi dụng đấu giá để thổi giá đất, chọn được nhà đầu tư có năng lực.
Theo HoREA, qua các cuộc đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) ngày 10/12/2021 đã cho thấy rõ các “bất cập” và sự cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 và các pháp luật có liên quan, nhằm xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, không làm thất thu ngân sách Nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, không để bị lợi dụng đấu giá để trục lợi bất chính.
Sự kiện đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào tháng 12/2021 được đánh giá có nhiều bất thường. (Ảnh: Công Luận)
“Bởi lẽ, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị hoàn toàn khác biệt với đấu giá từng nền nhà, từng căn hộ hoặc đấu giá một bức tranh, một món đồ cổ, hay đấu giá tài sản thanh lý…”, HoREA nhận định.
Do vậy, cần xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực.
“Tùy theo loại tài sản đấu giá mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá phù hợp. Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị thì phù hợp nhất là áp dụng hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá”, hoặc hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp” theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016; trên cơ sở nghiên cứu vận dụng tương tự phương thức “đấu thầu 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ” (quy định tại Điều 31 Luật Đấu thầu 2013)” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA phân tích.
Cụ thể, giai đoạn 1: Cơ quan có thẩm quyền xem xét "Báo cáo khả thi dự án đầu tư" do nhà đầu tư đề xuất, để chọn ra "danh sách ngắn" các nhà đầu tư có đề xuất có tính khả thi và đạt chuẩn điểm số theo hồ sơ mời đấu giá (có thể đạt từ 70 điểm trở lên như quy định của pháp luật về đấu thầu).
Giai đoạn 2: Tổ chức cuộc đấu giá đối với các nhà đầu tư trong "danh sách ngắn" theo hình thức "đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá", hoặc "đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp" để lựa chọn nhà đầu tư trúng đấu giá quy định tại Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016.
HoREA đánh giá, không nên áp dụng hình thức "đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá" (quy định tại Điều 41 Luật Đấu giá tài sản 2016) đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, như đã thực hiện trong thời gian qua vì không phù hợp.
“HoREA đề nghị xây dựng một chương riêng trong Luật Đấu giá tài sản, quy định đầy đủ cơ chế đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị phù hợp với thực tế” - ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Đồng thời, Chủ tịch HoREA cũng kiến nghị nên quy định chặt chẽ việc công bố thông tin đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị và tăng thêm thời gian để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đấu giá lên khoảng 35 ngày. Vì thời gian theo quy định hiện nay chỉ trong khoảng 18 ngày là quá ít.