Đã giải chấp vẫn "bị bêu tên"!
Việc công bố danh sách các dự án đang thế chấp tại ngân hàng đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều trên thị trường. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng việc công bố thông tin càng chi tiết càng tốt nhằm minh bạch hóa nhằm tiến tới một thị trường bất động sản lành mạnh, minh bạch, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nói chung; nhất là sau sự cố "con sâu làm rầu nồi canh" xảy ra tại chung cư The Harmona.
Luồng ý kiến thứ hai phản ứng việc công bố này vì cho rằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có thể gây đình trệ đối với nhiều dự án đang thực hiện chưa hoàn tất, qua đó không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà thiệt hại cho cả người dân mua nhà.
![]() |
Hình ảnh dự án Him Lam Riverside quận 7 do Him Lam Land làm chủ đầu tư. |
Trao đổi với phóng viên Tiêu dùng 24h.vn, đại diện Him Lam Land cho biết, theo văn bản (ngày 4/7) của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN – Emximbank (CN Đồng Nai) gửi đến CTCP Him Lam và CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land), 570 căn hộ Lô A3 của dự án Him Lam Riverside đã được giải chấp. Cùng với đó, Eximbank cũng đã giải chấp nhiều căn hộ thuộc các block khác của dự án này cũng như các tài sản khác đã từng thế chấp tại ngân hàng thời gian qua.
Do đó, khi "bị bêu tên" trong danh sách 77 dự án "đang thế chấp ngân hàng", (trong đó có dự án của Him Lam Land) khiến đại diện của doanh nghiệp này khá bất ngờ, vì việc cầm cố này đã chấm dứt từ lâu giữa công ty và ngân hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Dư Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát (Đơn vị được nêu có thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 thuộc cao ốc Hưng Phát tại Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Sài Gòn) cho biết: Thông tin này có thể gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu của Hưng Lộc Phát và các dự án mà công ty công ty đang triển khai.
Theo ông Lực, tất cả 10 căn hộ của cao ốc Hưng Phát được nêu trong văn bản của Sở TN-MT đều là những căn hộ được Công ty Hưng Lộc Phát giữ lại phục vụ cho mục đích khác chứ hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào. Tương tự, 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của Công ty Hưng Lộc Phát. Do vậy, việc thế chấp phần tài sản này cho Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Sài Gòn mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc cao ốc Hưng Phát.
"Cũng xin được nói rõ thêm, Cao ốc Hưng Phát gồm 358 căn hộ được xây dựng tại số 928 Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Dự án đã hoàn thành, bàn giao nhà cho khách hàng vào năm 2014. Và vào ngày 13-3-2016, trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty Hưng Lộc Phát, chúng tôi đã tiến hành bàn giao giấy tờ chủ quyền cho những khách hàng đã mua căn hộ Hưng Phát. Đây là minh chứng cho uy tín và cam kết vàng “nói được làm được” mà Hưng Lộc Phát đã đề ra trong suốt quá trình hoạt động vừa qua", ông Lực nói.
Thế chấp, giải chấp là hết sức bình thường
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc doanh nghiệp thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường. Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng vậy, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường.
Do đặc điểm hoạt động của thị trường bất động sản nước ta, các chủ đầu tư dự án phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động của khách hàng. Đối với nguồn vốn tín dụng, các chủ đầu tư thường vay vốn để phát triển dự án, xây dựng công trình, nhà ở, thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai... và thường lấy dự án, công trình đó để thế chấp ngân hàng.
Đa số chủ đầu tư sử dụng vốn huy động đúng mục đích. Tuy nhiên, cá biệt, cũng có chủ đầu tư sử dụng vốn huy động sai mục đích, đầu tư dàn trải, thậm chí tiêu dùng cá nhân dẫn đến không hoàn thành dự án, không bàn giao được nhà cho người mua, mất thanh khoản, gây ra nợ xấu gây thiệt hại cho khách hàng.
Những trường hợp cá biệt này có thể ví như "những con sâu làm rầu nồi canh" tuy nhiên đã làm cho người tiêu dùng mất lòng tin. Do vậy, các ngân hàng thương mại cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm và có biện pháp giám sát việc chủ đầu tư sử dụng vốn vay tín dụng đúng mục đích, giám sát chặt chẽ tài sản thế chấp hình thành trong tương lai để bảo đảm thu hồi vốn vay.
"Về phí chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận. Người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp ngân hàng chỉ cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn là có thể yên tâm mua nhà", ông Châu nói.
Tuy nhiên, sau khi Sở Tài nguyên & Môi trường công bố thông tin về 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản, làm cho một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, thậm chí hiểu nhầm là dự án đã bị thế chấp đồng nghĩa với chủ đầu tư kém năng lực.
Được biết, trong những ngày qua, hàng trăm khách hàng đã mua căn hộ từ các doanh nghiệp bị “bêu tên” trong danh sách các dự án thế chấp ngân hàng đã “đứng ngồi không yên” và liên tiếp “dội bom” điện thoại để hỏi thông tin.