Trên đây là nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam với phóng viên Bizlive.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản là lĩnh vực mà nếu khôn khéo thì có thể dùng làm công cụ kích cầu, phát triển kinh tế. Nhưng nếu không khéo nó sẽ trở thành ngòi nổ nguy hiểm. Bất động sản là thị trường phải đối xử khéo léo, cẩn trọng và tế nhị.
Đối với gói 30.000 tỷ, việc dừng gói tín dụng hỗ trợ này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nhiều ngày qua, thậm chí tâm lý hoang mang xảy ra với hầu hết những người đã tham gia vay vốn từ gói này.
"Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái tuy chưa quyết liệt lắm nhưng đã chứng tỏ có sự lắng nghe", ông Nam nhìn nhận.
Cũng theo ông Nam, với thông tư 36, ông Nam ủng hộ việc giảm tỷ lệ cho vay ngắn hạn, nhưng việc đưa tỷ lệ rủi ro từ 150 lên 200% là không cần thiết, và không làm là tốt nhất.
Nếu có thực hiện việc nâng tỷ lệ rủi ro này lên cần phải có lộ trình, phòng ngừa rủi ro, làm sao để nó không ngăn cản đà phát triển đang rất tốt, bền vững của thị trường bất động sản hiện nay.
Đối với hệ thống ngân hàng, ông Nam cho rằng, chúng ta cần quan tâm đến tính hiệu quả, tính khả thi của dự án và uy tín chủ đầu tư, chứ không phải bằng việc quy định tỷ lệ đánh đồng tất cả các dự án, chủ đầu tư, phân khúc bất động sản giống nhau.
Nếu có quy định rủi ro thì phải phân ra là phân khúc nào hạn chế, phân khúc nào không hạn chế, chứ cứ đưa ra mức chung đánh đồng tất cả thì là bài học chúng ta đã nhận ra trong quá khứ rồi.
"Với nội dung sửa đổi Thông tư 36, tôi rất ngạc nhiên là lãnh đạo ngân hàng im lặng, im lặng khiến dư luận bức xúc, nhân dân lo lắng là điều không nên", ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, thị trường bất động sản Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản khởi sắc, thay đổi bộ mặt đô thị, đáp ứng các phân khúc đối tượng khác nhau trong xã hội.
Thời gian qua, một loạt các quy định mới trong hệ thống luật pháp đã đưa ra những giải pháp để góp phần làm minh bạch hơn hoạt động của thị trường bất động sản.
Cụ thể, Luật Đất đai, Luật Đầu tư có liên quan đã chú trọng coi bất động sản như đầu kéo nhưng cũng có sự thắt chặt. Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở lần đầu tiên quy định việc tất cả chính quyền các cấp tỉnh, thành phải xây dựng kế hoạch trung, ngắn hạn.
Quy định về vốn pháp định của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được ban hành tránh những doanh nghiệp nhỏ, vốn ít cũng đầu tư kinh doanh bất động sản.
Trước khi bán nhà, tất cả các bất động sản đều phải xin phép cơ quan địa phương. Một điểm nữa, các bất động sản bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh của ngân hàng, đảm bảo an toàn cho người dân mua.
Liên quan đến nguồn vốn, đã hạ tỷ lệ huy động vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 70% xuống còn 50%. Trên thực tế, từ 2013, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng phối hợp với nhau rất hiệu quả vực dậy thị trường bất động sản và rõ ràng nó đã ấm nóng trở lại.