Trên đây là trao đổi với phóng viên của Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng trước khả năng NHNN sẽ thực hiện siết van tín dụng thông qua việc sửa đổi Thông tư 36.
Kẹt vốn có khả năng sẽ khiến dự án phải đắp chiếu (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, theo ông Hiển, việc NHNN thực hiện siết van tín dụng là cần thiết. Bởi nếu các ngân hàng tiếp tục đổ tiền ồ ạt vào địa ốc (như trong năm 2015 vừa qua) chắc chắn sẽ dẫn đến khả năng thị trường mất thanh khoản hơn trong thời gian tới, đó là chưa tính tới độ rủi ro. Dù nguốn vốn cho vay vẫn tốt và người vay vẫn trả được nợ nhưng việc đem nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ gặp rủi ro lớn về thanh khoản.
Việc dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS tăng mạnh cho thấy sự sôi động của thị trường địa ốc trong năm vừa qua, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà đất và cho vay đầu tư xây dựng dự án. Mặt khác, việc các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân cho vay còn giúp giá trị tồn kho BĐS giảm nhanh. Thế nhưng, nếu dòng vốn này cứ chảy mãi mà không được kiểm soát tốt sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường.
Tuy nhiên, khi NHNN thực hiện siết tín dụng, một số doanh nghiệp địa ốc trên thị trường hiện nay chắc chắn sẽ lâm vào tình huống kẹt vốn. Đây sẽ là một trong số những nguy cơ dẫn đến tình trạng dự án sẽ bị giãn tiến độ đầu tư, thậm chí, trầm trọng hơn có thể sẽ là "đắp chiếu".
"Chúng ta cần phân biệt giữa doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và doanh nghiệp lớn là hoàn toàn không đồng nhất. Trên thực tế, sự đổ vỡ trên thị trường thường rơi vào những doanh nghiệp lớn. Còn đối với các nhà đầu tư có nguồn vốn ổn định và vốn đầu tư vào dự án hài hòa mà không phụ thuộc quá lớn vào vốn vay sẽ ít bị ảnh hưởng", ông Hiển nhận định.