Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, sau hơn 6 tháng chủ động, khẩn trương và tích cực triển khai, đến nay Hà Nội đã đủ các điều kiện cơ bản theo quy định để tiến hành thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 quận, huyện và 584 xã, phường.
Nhằm đảm bảo nhân lực tham gia nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành, lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm, bồi dưỡng nghiệm vụ thanh tra; Sở Y tế đã phối hợp với Trường cán bộ thanh tra Chính phủ tổ chức triển khai 35 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho trên 3.000 công chức, viên chức, phó chủ tịch, chủ tịch xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Sở Y tế phối hợp với Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia khai giảng 23 lớp đào tạo chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm cho 1137 người; Sở Y tế phối hợp với Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức 14 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho 2480 công chức, viên chức... Kết quả đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có đủ công chức, viên chức đảm bảo điều kiện thực hiện thanh tra và mỗi đơn vị đã thành lập 2 đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuẩt, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn từ ngày 10/7 - 31/12/2019.
Ảnh minh họa.
Ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2016, thành phố đã thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường. theo Quyết định số 38/2015 /QĐ-TTg. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì Hà Nội vẫn còn gặp những khó khăn như thời gian đào tạo nhân lực thanh tra ngắn, cán bộ thanh tra vẫn kiêm nhiệm, ở tuyến xã, phường, việc thanh kiểm tra vẫn còn nể nang, đôi lúc xử lý vi phạm chưa quyết liệt.
Để việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đạt kết quả tốt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Công tác ATTP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các quận, huyện, xã, phường phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các đơn vị, kịp thời phát hiện các vướng mắc, phát sinh để có biện pháp khắc phục.
Duy trì đường dây liên lạc, tư vấn hỗ trợ nghiệp vụ cho các đoàn thanh tra trong những tình huống cụ thể. Tuyến quận, huyện phải kiểm tra được ít nhất 25%; tuyến xã, phường 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo kế hoạch. Việc thanh, kiểm tra phải thực chất, cơ sở nào vi phạm cần xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm của việc cung cấp thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng và người tiêu dùng cần có những lựa chọn thông thái về những thực phẩm đảm bảo chất lượng.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế đánh giá, vừa qua, Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo ATTP và chắc chắn khi thành phố triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP vào tháng 7 tới đây, chất lượng thanh tra, kiểm tra và hiệu quả xử lý vi phạm về ATTP sẽ được nâng cao.